Mật ong Mỹ vẫn chứa bụi phóng xạ từ các vụ thử vũ khí hạt nhân năm 50

Theo nghiên cứu mới, bụi phóng xạ từ các vụ thử bom hạt nhân trong những năm 1950- 1960 vẫn xuất hiện trong mật ong Mỹ.

Theo đài Sputnik (Nga), những con ong ở gần khu vực cấm của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại Ukraine được phát hiện có khả năng sinh sản giảm đi sau thảm họa hạt nhân năm 1986, vụ nổ khiến bụi phóng xạ phân tán khắp khu vực.

Các vụ thử vũ khí hạt nhân trong khí quyển ban đầu đã làm phát tán bụi phóng xạ rất xa và rộng, gây ô nhiễm đất, nước và các loại thực phẩm trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, gần 3/4 thế kỷ sau, các nhà khoa học vẫn đang tìm ra những khu vực mới, có dấu hiệu cho thấy tác động của hạt nhân đối với môi trường vẫn còn tồn tại, trong đó mới nhất là mật ong.

“Trong khi phần lớn bức xạ được tạo ra bởi một vụ nổ vũ khí hạt nhân sẽ phân hủy trong vài ngày đầu tiên, một trong những sản phẩm phân hạch tồn tại lâu nhất là xêsi-137 (Cs-137), có chu kỳ bán rã phóng xạ khoảng 30,2 năm”, một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Nature Communications cho biết.

Để chứng minh điều này, James Kaste, một nhà địa chất học tại Đại học William & Mary, Virginia, đã giao nhiệm vụ cho các sinh viên của mình thu thập các sản phẩm địa phương từ bất cứ nơi nào họ sống, sau đó mang nó trở lại phòng thí nghiệm để kiểm tra chất xêsi. Hầu hết các kết quả đều như mong đợi, đó là hàm lượng xêsi rất thấp. Tuy nhiên, một số mẫu mật ông thô được lấy từ Raleigh, Bắc Carolina, được phát hiện có hàm lượng xêsi cao hơn 100 lần so với các mẫu khác.

Nhà địa chất học Kaste quyết định tìm hiểu về điều này. Cô đã cùng với 2 nhà khoa học khác thu thập 122 mẫu mật ong từ khắp nơi trên bờ biển phía đông nước Mỹ để kiểm tra đồng vị phóng xạ xêsi. Họ phát hiện 68 mẫu trong số đó có hàm lượng phóng xạ trên 0,03 becquerel/kg Cs-137, với hàm lượng cao nhất là 19,1 becquerel/kg Cs-137 ở Florida.

Tuy nhiên, không có sản phẩm nào trong số đó có hàm lượng phóng xạ vượt mức tiêu chuẩn an toàn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) là 1.200 becquerel/kg Cs-137.

“Tôi không lo lắng chút nào. Thậm chí, hiện giờ tôi ăn nhiều mật ong hơn so với trước khi bắt đầu dự án nghiên cứu. Tôi cũng cho các con tôi ăn mật ong”, Kaste nói.


Ong được nuôi để lấy mật. (Ảnh: AP).

Nghiên cứu nhấn mạnh rằng vài thập kỷ trước, hàm lượng xêsi trong mật ong có thể cao hơn nhiều, nhưng do tính chất phóng xạ không ổn định, phần lớn trong số đó đã bị phân hủy, biến thành các nguyên tố khác nhau.

Từ năm 1951 đến năm 1963, Mỹ đã thực hiện 100 vụ thử vũ khí hạt nhân trên mặt đất tại Bãi thử hạt nhân Nevada và 928 vụ thử dưới lòng đất khác trước năm 1973. Sau đó nước này đã ký hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân, hạn chế quy mô của các vụ thử hạt nhân dưới lòng đất. Tuy nhiên, bụi từ các cuộc thử nghiệm này đã khiến các vật liệu phóng xạ phát tán và lan rộng khắp nước Mỹ, xâm nhập vào hệ sinh thái và thức ăn của con người.

Xêsi-137 chỉ là một trong số các đồng vị phóng xạ được tạo ra bởi bom hạt nhân. Theo nghiên cứu, xêsi có tính chất hóa học giống kali, một nguyên tố phổ biến được sử dụng trong các quá trình sinh học. Do đó, thực vật có thể nhầm lẫn phóng xạ này với kali. Thực vật có hoa có thể truyền chất phóng xạ từ đất cho ong mật, dẫn đến xuất hiện phóng xạ trong mật ong.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất