Mặt trời, trái đất, sao Hải Vương xếp thành hàng sau 164 năm
Hôm nay, lần đầu tiên trong 164 năm, sao Hải Vương sẽ ở vị trí thẳng hàng với mặt trời và trái đất, và đó cũng là vị trí mà nó gần địa cầu nhất.
Space cho biết, đây là sự kiện đặc biệt bởi sao Hải Vương ở vị trí tương tự vào năm 1846. Như vậy hành tinh này vừa hoàn thành cuộc hành trình vòng tròn quanh mặt trời lần đầu tiên kể từ khi nó được con người phát hiện cách đây 164 năm. Tối nay, nếu quan sát bầu trời người dân sẽ thấy sao Hải Vương ở vị trí cao nhất so với mọi thời điểm trong suốt 164 năm qua.
Một điều tình cờ là trong năm 1846 sao Hải Vương cũng nằm thẳng hàng với mặt trời và trái đất vào ngày 20/8.
Sao Hải Vương là hành tinh thứ tám tính từ mặt trời trở ra và cũng là hành tinh nặng thứ ba trong hệ Mặt Trời. Ngoài ra nó còn là hành tinh xa mặt trời nhất. Việc phát hiện sao Hải Vương là một câu chuyện khá thú vị. Nhà khoa học Galileo Galilei nhìn thấy sao Hải Vương lần đầu tiên vào năm 1612 và 1613, khi hành tinh này xuất hiện gần sao Mộc. NWilliam Herschel (người Anh) tình cờ phát hiện sao Thiên Vương trong khi quan sát bầu trời.
Nhưng sau đó vị trí của sao Thiên Vương không đúng tính toán của các nhà thiên văn. Vì thế họ nghi rằng có một hành tinh khác gần sao Thiên Vương và lực hấp dẫn của nó tác động tới chuyển động của sao Thiên Vương.
Vào thập niên 40 của thế kỷ 19, John Couch Adams (người Anh) và Urbain Le Verrier (người Pháp) không làm việc với nhau nhưng cùng đưa ra dự đoán về vị trí của hành tinh giấu mặt. Tuy nhiên giới thiên văn lại không quan tâm tới dự đoán của họ.
Sau đó một nhà thiên văn học người Đức có tên Johann Galle đã xem xét dự đoán này và phát hiện một hành tinh màu xanh nhỏ xíu. Đó chính là sao Hải Vương. Galle phát hiện sao Hải Vương vào ngày 23/9/1846. Sự kiện này dẫn tới một cuộc tranh luận gay gắt giữa John Couch Adams và Urbain Le Verrier về việc ai là người phát hiện sao Hải Vương trước. Cuối cùng cả hai nhà thiên văn này và Galle đều được công nhận là những người tìm ra sao Hải Vương.
Cách mặt trời tới 30 đơn vị thiên văn (một đơn vị thiên văn tương đương khoảng cách từ mặt trời tới trái đất) và có đường kính tương đối nhỏ (49.528 km tại xích đạo) nên sao Hải Vương là một thiên thể nhỏ và mờ nhạt trong các kính thiên văn nghiệp dư. Trong khi đó con người có thể quan sát sao Thiên Vương bằng mắt thường trong điều kiện trời tối hoàn toàn.
Để quan sát sao Hải Vương, vào buổi tối bạn có thể nhìn lên chòm sao Ma Kết (có hình tam giác). Nó nằm ở bên trái chòm sao Nhân Mã. Góc phía trên, bên trái của tam giác chỉ về phía sao Hải Vương. Nếu quan sát bằng kính thiên văn cỡ nhỏ, bạn sẽ thấy hành tinh này giống như một ngôi sao. Điểm đặc biệt của nó là màu xanh lục pha xanh dương. Nhà thiên văn Mỹ Lawrence Sromovsky, một trong những chuyên gia hàng đầu về khí quyển sao Hải Vương, cho rằng thời tiết trên hành tinh này thay đổi theo 4 mùa, mỗi mùa kéo dài chừng 40 năm.