Máu non - chìa khóa ngăn ngừa lão hóa?

Một nghiên cứu vừa được công bố tại hội nghị của Hiệp hội Khoa học thần kinh Mỹ phát hiện việc tiêm máu non lấy từ chuột nhỏ tuổi cho chuột già có thể giúp đảo ngược một số tác động của tình trạng suy giảm nhận thức do tuổi tác.

Năm ngoái, nhóm nghiên cứu ở Đại học Stanford do chuyên gia Saul Villeda dẫn đầu từng chứng minh họ có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của các tế bào mới trong não chuột già bằng cách truyền máu non cho chúng. Còn trong nghiên cứu mới nhất, họ kiểm tra những thay đổi về nhận thức bằng cách liên kết hệ tuần hoàn của chuột trẻ và chuột già để máu của chúng có thể trộn lẫn vào nhau - một kỹ thuật thường được sử dụng để nghiên cứu hệ miễn dịch gọi là heterochronic parabiosis. Sau vài ngày, các chuyên gia kiểm tra lại sức khỏe chuột già và phát hiện nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy quá trình lão hóa đã chậm lại, điển hình là số lượng tế bào gốc trong não chuột đã tăng lên. Đặc biệt, mức độ kết nối giữa các tế bào, dấu hiệu để đánh giá chức năng não bộ, cũng tăng 20%.

Nhà nghiên cứu Villeda tiếp tục kiểm tra hoạt động "trẻ hóa" ở chuột bằng cách tiêm một lượng nhỏ huyết thanh lấy từ những con chuột 2 tháng tuổi vào chuột 18 tháng tuổi trong thời gian 1 tháng. Sau đó, những con chuột 18 tháng này được bỏ vào một mê cung nước để kiểm tra khả năng ghi nhớ vị trí. Kết quả cho thấy trí nhớ của chúng không thua gì chuột 4-6 tháng tuổi.

Theo Villeda, máu non đã thay đổi tác động của lão hóa bằng cách gia tăng mức độ các nhân tố hóa học quan trọng trong máu, thường suy giảm khi động vật già đi. Do thành phần trong máu chuột cũng thay đổi khi chúng già đi, tương tự như ở người, nhóm nghiên cứu hy vọng kết quả trên cũng sẽ tái diễn khi thử nghiệm trên người để một ngày nào đó, kỹ thuật này có thể giúp chúng ta đẩy lùi những tác động tiêu cực của quá trình lão hóa.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất