Mẩu xương 115.000 năm của bé gái bị chim tiền sử ăn thịt

Xương ngón tay của bé gái người Neanderthal có nhiều lỗ nhỏ li ti, bằng chứng cho thấy có một con chim lớn đã ăn xác đứa trẻ.

Các nhà khoa học phát hiện xương của một đứa trẻ người Neanderthal bị chim khổng lồ ăn thịt. Những đoạn xương tay dường như thuộc về bé gái 5 - 7 tuổi. Nhóm nghiên cứu chưa rõ con chim tấn công bé gái hay chỉ tranh thủ ăn xác chết, Newsweek hôm 8/10 đưa tin.


Mẩu xương ngón tay của bé gái trong hang Ciemna. (Ảnh: Newsweek).

Đoạn xương tay tìm thấy ở Ba Lan có niên đại hơn 115.000 năm. Đó là hài cốt lâu đời nhất được phát hiện tại nước này. Trước đó, niên đại của bộ xương người cổ nhất Ba Lan chỉ khoảng 50.000 năm.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Jagiellonia ở Krakow bắt gặp bộ xương trong lúc khai quật hang động Ciemna ở thị trấn Ojcow. Nghiên cứu trước đây kết luận hang Ciemna từng là nơi cư ngụ của người thời Đồ đá cũ. Hang bao gồm nhiều lối đi dài khoảng 200 mét và một khoang rỗng rất lớn.

Trong nghiên cứu sắp công bố trên tạp chí Paleolithic Archaeology vào cuối năm nay, các nhà nghiên cứu cho biết những đoạn xương dài chưa tới một centimet và nằm lẫn với xương động vật. "Chúng tôi tin chắc đó là hài cốt người Neanderthal bởi họ ở tầng rất sâu của hang động, cách mặt đất ngày nay vài mét. Tầng này cũng chứa nhiều công cụ đá thường được người Neanderthal sử dụng", nhà nghiên cứu ở Viện Khảo cổ học thuộc Đại học Jagiellonia, cho biết.

Đoạn xương đến từ bàn tay của đứa trẻ bị rỗ, có nhiều lỗ nhỏ li ti trên bề mặt. "Phân tích chỉ ra đây là kết quả khi đi qua hệ thống tiêu hóa của một con chim lớn, trường hợp đầu tiên được biết tới từ kỷ Băng hà", Valde-Nowak nói.

Con chim có thể tấn công bé gái người Neanderthal, gây ra vết thương nặng dẫn tới tử vong và ăn ngón tay của đứa trẻ. Giả thuyết khác là nó rỉa ngón tay sau khi bé gái chết. Theo nhóm nghiên cứu, hai khả năng đều có thể xảy ra.

Phát hiện cho thấy người Neanderthal có thể đã tới Ba Lan cách đây khoảng 300.000 năm. "Chúng tôi vẫn đang thảo luận người Neanderthal sinh sống ở châu Âu, bao gồm Ba Lan, trong bao lâu. Chúng tôi cũng không rõ họ có sống cùng người trong vùng hay không", Valde-Nowak chia sẻ.

Mảnh xương tiết lộ "chuyện yêu ngoại chủng" của người hiện đại

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất