Máy bay cất cánh thế nào trên các hành tinh hệ Mặt Trời
Môi trường khắc nghiệt trên các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời có thể phá hủy máy bay theo nhiều cách đáng sợ.
Sao Thủy
Máy bay sử dụng không khí trên Trái Đất để tạo ra chênh lệch áp suất bên trên và dưới cánh máy bay và sản sinh lực nâng. Do sao Thủy không có khí quyển, máy bay không thể cất cánh, theo Business Insider.
Sao Kim
Khí quyển của sao Kim dày đặc hơn 60 lần so với bề mặt Trái Đất, cho phép tạo ra lực nâng lớn. Tuy nhiên, máy bay phải bay qua vùng khí quyển với nhiệt độ trên 200 độ C, đủ nóng để nung chảy chì và khiến máy bay bốc cháy.
Trái Đất
Trái Đất là nơi hoàn hảo để lái máy bay với tầm nhìn tuyệt đẹp.
Máy bay trải qua những điều kiện khắc nghiệt khi bay trên hành tinh khác trong hệ Mặt Trời. (Ảnh minh họa: NASA).
Sao Hỏa
Khí quyển trên sao Hỏa mỏng hơn 100 lần so với Trái Đất. Máy bay phải di chuyển rất nhanh, ở tốc độ khoảng 1.235km/h, để tạo ra chênh lệch áp suất phù hợp ở bên trên và dưới cánh máy bay nhằm cất cánh. Sau khi bay lên không trung, máy bay sẽ di chuyển nhanh đến mức rất khó để điều khiển.
Sao Mộc
Trên sao Mộc, máy bay nặng hơn 2,3 lần so với trên Trái Đất, đòi hỏi lực nâng lớn hơn gấp ba lần để cất cánh. Do lực hấp dẫn khổng lồ, sau khi bay lên, chiếc máy bay sẽ lao về phía trung tâm sao Mộc với tốc độ 965km/h.
Sao Thổ
Máy bay có thể bay trên sao Thổ với mức năng lượng ngang bằng ở Trái Đất. Tuy nhiên, máy bay sẽ bị đóng băng từ từ trong bầu khí quyển lạnh -167 độ C và lao nhanh về phía trung tâm hành tinh như trên sao Mộc.
Sao Thiên vương
Sao Thiên Vương là một nơi rất lạnh và tối. Trọng lượng máy bay trên hành tinh này nhẹ hơn so với Trái Đất. Phi công có thể bay cho tới khi bình nhiên liệu trên chiếc máy bay bị đóng băng trong môi trường lạnh - 212 độ C.
Sao Hải vương
Sao Hải vương là hành tinh có sức gió mạnh nhất trong hệ Mặt Trời với tốc độ gió lên tới 2.400km/h. Nếu gặp phải những cơn bão dữ dội trên sao Hải vương, máy bay có thể bị đóng băng do nhiệt độ khí quyển ở mức - 217 độ C và bị gió quật tan thành nhiều mảnh.