Máy bay có khả năng thay thế vệ tinh

Không chỉ bay liên tục trên bề mặt trái đất trong nhiều tháng, loại phi cơ hoạt động trên tầng bình lưu còn có thể đảm nhận vai trò của vệ tinh nhân tạo.

Hãng Airbus vừa nhận bằng sáng chế cho một loại máy bay có khả năng đưa phi cơ khác lên độ cao hơn 20km (thuộc tầng bình lưu). Hai phi cơ sẽ tách rời và sau đó phi cơ vận chuyển sẽ trở về mặt đất, còn phi cơ kia sẽ bay liên tục trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, Daily Mail đưa tin.

Khi bay trong tầng bình lưu, máy bay của Airbus có thể thực hiện chức năng của vệ tinh nhân tạo, nghĩa là nó có thể quan sát bề mặt trái đất hoặc phát Internet xuống phía dưới.

Máy bay có khả năng thay thế vệ tinh
Hình minh họa máy bay vận chuyển "cõng" phi cơ tầng bình lưu của Airbus. (Ảnh: Patent Yogi).

Airbus khẳng định máy bay vận chuyển của họ sẽ tạo nên cuộc cách mạng trong việc đưa phi cơ lên tầng bình lưu.

Phi cơ hoạt động trên tầng bình lưu của Airbus tương đối nhẹ, sử dụng năng lượng mặt trời và thường bay ở độ cao khoảng 20km.

"Mục tiêu của sáng chế là tối ưu hóa hoạt động của phi cơ tầng bình lưu trong cả quá trình bay lên và đáp xuống", bằng sáng chế của Airbus nhấn mạnh.

Với sáng chế này, phi cơ hoạt động trên tầng bình lưu có thể nằm phía trên hay bên sườn của máy bay vận chuyển. Khi lên tới độ cao cần thiết, nó tách khỏi máy bay vận chuyển nhờ lực hấp dẫn.


Những tấm pin năng lượng mặt trời chiếm phần lớn khối lượng của Zephyr T và Zephyr S, hai mẫu phi cơ hoạt động trên tầng bình lưu do Airbus chế tạo. (Ảnh: Airbus).

Là tầng khí quyển thứ hai từ mặt đất, tầng bình lưu nằm ở độ cao từ 16 tới 80km ở vùng xích đạo. Tại hai cực trái đất, tầng bình lưu bắt đầu từ độ cao 8km. Các máy bay chở khách thường di chuyển giữa ranh giới của tầng bình lưu và tầng đối lưu để giảm thiểu nguy cơ tai nạn do những diễn biến đối lưu bất thường trong khí quyển.

Bay lên tầng bình lưu là việc cực khó, bởi nó đòi hỏi máy bay phải có động cơ rất mạnh.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất