Máy xúc đào trúng khúc gỗ để lộ "cục đá" lạ, chuyên gia lần theo manh mối tìm thấy kho báu "khủng"

Từ những "cục đá" lạ tìm thấy bên trong khúc gỗ, các chuyên gia đã khai quật được kho báu với hàng chục nghìn bảo vật, trị giá hơn 11.000 tỷ đồng.

Khúc gỗ và những "cục đá" kỳ lạ

Ngày 20/4/2005, một công trình dẫn nước của thị trấn Giang Khẩu, huyện Bành Sơn, Tứ Xuyên, Trung Quốc, được thực hiện tại khu vực bến Lão Hổ ở sông Mân. Lúc này, các công nhân đang dùng máy xúc nạo nét dưới lòng sông. Vô tình, người công nhân điều khiển máy xúc đụng trúng thứ gì đó. Khi chạy tới nơi, anh ta phát hiện đó là một khúc gỗ dài khoảng 1m bị ngâm trong nước, cát và bùn ở độ sâu 2,5m. 

Sau khi dùng xẻng lật nó lên, người công nhân nhận thấy bên dưới khúc gỗ có lỗ hổng. Một vài cục đá có hình thù kỳ lạ rơi ra. Chúng còn phát ra ánh sáng lấp lánh dưới ánh nắng. Vì thế, người công nhân liền đem chúng tới chỗ có nước rửa sạch. Nào ngờ, mấy cục đá này thực chất là những đĩnh bạc. Một trong số chúng vẫn có thể nhìn thấy dòng chữ khắc bên trên: "Năm Sùng Trinh thứ 10, hướng ngân ngũ thập lưỡng, thợ bạc Khương Quốc Khánh". Tổng cộng có 10 đĩnh bạc.


Một số những đĩnh bạc được tìm thấy bên trong khúc gỗ. (Ảnh: Sohu).

Ngay lập tức, anh ta báo cho quản lý và người này đã liên hệ với cơ quan quản lý di tích văn hóa của huyện Bành Sơn. Qua giám định sơ bộ, các chuyên gia cho rằng đây là quan ngân của nhà Minh. Thông tin về việc đội thi công thủy lợi vớt được bạc đã lan khắp thị trấn. Nhiều người dân bất chấp nguy hiểm lặn xuống đáy sông để tìm kho báu. Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên phải điều động cảnh sát tới canh gác 24/24 tại khu vực tìm thấy cổ vật.

Theo ông Ngô Thiên Văn, Giám đốc Phòng Quản lý Di tích Văn hóa Bành Sơn, khúc gỗ được tìm thấy chính là Thanh cương bổng. Trong nhiều ghi chép lịch sử, Thanh cương bổng là một công cụ cất giấu bảo vật của Trương Hiến Trung - người lãnh đạo phong trào khởi nghĩa nông dân vào cuối thời nhà Minh. Công cụ này là một khúc gỗ được khoét rỗng phần ruột, hai đầu được bịt bằng sắt, ở giữa dùng để nhét các thỏi bạc. Như vậy, thanh cương bổng và những đĩnh bạc này đều là di vật văn hóa quý giá cuối triều đại nhà Minh và đầu thời nhà Thanh.


Khúc gỗ này chính là thanh cương bổng - một vật dụng cất giấu bảo vật của Trương Hiến Trung. (Ảnh: Sohu).

Trên thực tế, vào những năm 1980, Viện thăm dò địa chất Vũ Hán đã tiến hành khảo sát thị trấn Giang Khẩu và khu vực sông Mân, họ đã phát hiện ra rằng có nhiều kim loại nằm rải rác bên dưới đáy sông. Tuy nhiên, một phần vì tài chính và hạn chế kỹ thuật, các chuyên gia đã không thể thực hiện việc khai quật. Mãi cho tới khi những đĩnh bạc vô tình được tìm thấy, các chuyên gia khảo cổ đã có manh mối để tìm kiếm kho báu của Trương Hiến Trung.

Lần theo manh mối tới kho báu

Trương Hiến Trung là lãnh tụ khởi nghĩa nông dân thời cuối nhà Minh. Ông từng tự xưng là Đại Tây vương sau khi chiếm được Vũ Xương. Theo cuốn "Thục Khâu giám", vào năm 1644, Trương Hiến Trung dẫn quân vào Tứ Xuyên giết toàn bộ các thương gia giàu có ở đây và lấy đi tài sản của họ. Số tiền mà ông ta cướp được của họ lên tới hàng chục nghìn lượng vàng. Trương Hiến Trung còn từng tổ chức Đại hội đấu bảo ở Thành Đô để khoe khoang sự giàu có của mình. Theo lời mô tả của nhiều ghi chép lịch sử, ông ta có tới 24 căn phòng chứa đầy thỏi vàng thỏi bạc. Các chuyên gia ước tính, tài sản của Trương Hiến Trung lên tới 3 tỷ NDT. Tới năm 1646, Trương Hiến Trung bị quân nhà Thanh giết chết trên núi Phượng Hoàng. Kể từ đó, tin tức về kho báu khổng lồ của ông biến mất.


Hai tảng đá hình rồng và hổ được nhắc tới trong bài đồng dao nói về kho báu của Trương Hiến Trung. (Ảnh: Sohu)

"Minh sử" từng chép lại rằng, Trương Hiến Trung trước khi rời khỏi Thành Đô đã thuê một đội nhân công làm nhiều việc kỳ lạ. Ông ta đã yêu cầu họ xây kè trên sông Mân, rút nước đi và đào nhiều hố sâu tới 3 trượng, sau đó để tất cả kho báu của mình vào đó rồi đắp đất lại xả nước hòng che mắt người dân. Nhưng cũng có ghi chép nói rằng Trương Hiến Trung bị quân Thanh đánh chặn đường bộ nên phải đi bằng đường thủy khi trốn khỏi Thành Đô. Tuy nhiên, họ đang ở cửa sông thì bị quân Thanh phục kích nên các con tàu chở vàng bạc đã bị chìm dưới nước.

Truyền thuyết dân gian cũng lan truyền một bài đồng dao nói về kho báu của Trương Hiến Trung. Nội dung của bài đồng dao đó là: "Rồng đá đối hổ đá, ngân lượng vạn vạn ngũ. Muốn biết rõ điều đó, mua hết phủ Thành Đô". Những câu này có nghĩa là ai đó muốn tìm kho báu này cần tìm khúc sông có khối đá hình rồng đối với khối đá hình hổ.

Dựa theo bài đồng dao, đội khảo cổ của Cục Di tích Văn hóa Tứ Xuyên chia làm 2 nhóm, một là thăm dò địa thế sông Mân, hai là điều tra khu vực lân cận sông. Bất ngờ, nhóm thứ hai đã tìm thấy một con hổ đá và một con rồng đá trong khu vực gần sông. Sau khi lắp ghép các chi tiết, họ cho rằng, khu vực sông Mân thực sự có kho báu của Trương Hiến Trung.

Trong suốt nhiều năm, các nhà khảo cổ của Cục Di tích Văn hóa Tứ Xuyên đã tổ chức nhiều lần khai quật. Vào năm 2011, họ đã tìm thấy hàng chục nghìn cổ vật, trong đó một cuốn sách bằng vàng và nhiều đĩnh vàng, bạc được đánh giá là có giá trị lớn nhất. Đến năm 2017, hơn 20.000 hiện vật được tìm thấy, chúng chủ yếu là đồ dùng và vũ khí. Thế nhưng, đoàn khảo cổ cho biết, số di tích còn lại thậm chí đang chất đống dưới đáy sông. Hồi tháng 1/2020, nhóm khảo cổ đã công bố thêm 10.000 cổ vật khác. Lần này, một ấn triện bằng vàng nguyên chất cực kỳ quý hiếm đã được tìm thấy.


Những di tích văn hóa khác được tìm thấy trong các lần khai quật của nhóm khảo cổ. (Ảnh: Sohu)

Chiếc ấn này nặng tới 8kg và được làm bằng 95% vàng nguyên chất. Chiếc ấn triện được khắc tỉ mỉ với kích thước 10 x 10cm, phần tay cầm bằng vàng nguyên chất, có hình con rùa với dòng chữ "Báu vật của Thục vương", đáng tiếc rằng nó đã bị xẻ làm 4 mảnh. Đến nay, hơn 52.000 cổ vật đã được khai quật. Theo ước tính của các nhà khảo cổ, giá trị của số di tích văn hóa thu thập được hiện đã lên tới 500 triệu USD (tương đương hơn 11.000 tỷ đồng).

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất