Mexico tìm thấy hóa thạch cá niên đại 110 triệu năm
Các nhà khoa học Mexico mới đây đã tìm thấy hóa thạch hai loài cá có niên đại 110 triệu năm, tức thuộc vào Kỷ Phấn trắng, tại khu dân cư El Chango, huyện Ocozocoautla de Espinosa thuộc bang Chiapas, địa phương được mệnh danh là "quê hương hóa thạch" của nhiều loài động vật tại Mexico và Mỹ Latinh.
Theo Giám đốc Viện nghiên cứu cổ sinh vật thuộc Bộ Môi trường và Lịch sử tự nhiên Mexico, tiến sỹ Marco Antonio Coutiño, hai hóa thạch cá này được đặt tên khoa học là "Pepemkay maya" và "Zoqueichthys carolinae" để tôn vinh hai nền văn hóa Maya và Zoque hiện vẫn còn tồn tại ở bang Chiapas.
Hóa thạch hai loài cá
Theo đánh giá sơ bộ, hai loài cá này thuộc hệ động vật có xương sống trong thời đại hiện nay.
Về bề ngoài, cá "Pepemkay maya" có bộ não phát triển, vây có năm xương và tám đường kẻ vạch mềm, trong khi cá "Zoqueichthys carolinae" lại có mào, và vây có tới tám xương và 12 đường kẻ vạch mềm.
Từ nhiều năm, hóa thạch hai loài cá này đã được phát hiện tại Anh, Israel, Italy, Lebanon, Morocco và Bồ Đào Nha.
Các nhà khảo cổ cho rằng với phát hiện này, khoa học lại có thêm bằng chứng nữa để khẳng định vùng đất Chiapas của Mexico rất đa dạng về sinh học và động vật ngay từ thời tiền sử.
Theo kế hoạch, hai hóa thạch trên sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Eliseo Palacios Aguilera, tại Tuxtla Gutiérrez, thủ phủ bang Chiapas, Đông Nam Mexico, nhằm phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.