Mỏ kim cương hồng lớn nhất thế giới ở Australia

Trong 37 năm hoạt động, mỏ Argyle sản xuất hơn 865 triệu carat (172 tấn) kim cương thô và 90% kim cương hồng trên thế giới.

Mỏ Argyle chứa lượng kim cương hồng lớn nhất từng được phát hiện trên Trái đất. Khác với kim cương màu xanh dương và vàng là kết quả từ tạp chất như nitrogen và boron, màu sắc của kim cương hồng đến từ quá trình địa chất làm biến dạng cấu trúc tinh thể. Kim cương hồng cực kỳ hiếm và có thể trị giá hơn 2 triệu USD/carat (1 carat tương đương 0,2 g), theo Hiệp hội đá quý quốc tế.


Kim cương hồng khai thác từ mỏ Argyle. (Ảnh: Rio Tinto).

Mỏ Argyle đóng cửa năm 2020 do nguồn cung cấp kim cương sụt giảm và điều kiện kinh tế không thuận lợi, bao gồm chi phí vận hành tăng. Mỏ năm bên bờ hồ Argyle thuộc khu vực hẻo lánh ở bang Tây Australia, cách Darwin 550km về phía đông nam. Hoạt động khai thác mở tại đó kéo dài 37 năm và cung cấp hơn 865 triệu carat (172 tấn) kim cương thô, bao gồm kim cương màu trắng, xanh dương, tím, hồng và đỏ, theo Rio Tinto, công ty sở hữu và vận hành mỏ.

Thành hệ đá Argyle là một địa điểm hình thành kim cương khác thường bởi nó nằm ở rìa lục địa thay vì trung tâm, nơi đá quý thường xuất hiện. Ngoài ra, kim cương luôn được tìm thấy ở thành hệ đá kimberlite, nhưng thành hệ Argyle chứa loại đá núi lửa gọi là olivine lamproite.

Các nhà nghiên cứu xác định niên đại đá ở Argyle không lâu sau khi phát hiện khu vực này năm 1979. Kết quả ban đầu xác định lớp đá khoảng 1,1 - 1,2 tỷ năm tuổi, nhưng năm ngoái, nghiên cứu mới hé lộ lớp đá 1,3 tỷ năm tuổi. Như vậy, thành hệ Argyle ra đời ngay khi siêu lục địa Nuna bắt đầu tan vỡ, hé lộ nhiều manh mối về quá trình hình thành kim cương và tại sao lượng kim cương hồng lại lớn đến vậy.

Kim cương hồng được tạo ra trong điều kiện nhiệt độ và áp suất đặc biệt khi mảng kiến tạo va chạm. Lực tác động cực lớn của những va chạm này có thể bẻ cong mạng tinh thể của kim cương tồn tại từ trước theo cách khiến chúng có các tông màu hồng khác nhau. Nếu lực tác động lớn quá mức, chúng có thể chuyển thành màu nâu, theo Hugo Olierook, nghiên cứu sinh ở Đại học Curtin, Australia, tác giả nghiên cứu năm 2023.

Siêu lục địa Nuna hình thành khi hai phần của vỏ Trái đất đâm vào nhau cách đây 1,8 tỷ năm. Khu vực chúng va chạm trùng với thành hệ Argyle ngày nay, chứng tỏ vụ va chạm dẫn tới sự ra đời của kim cương hồng tại đây. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, kim cương bị chôn sâu trong vỏ Trái đất.

Khoảng 500 triệu năm sau, khi Nuna bắt đầu vỡ ra do các mảng kiến tạo dịch chuyển xa nhau, đá chứa kim cương bị đẩy lên gần mặt đất. Lớp đá đó cũng chứa lượng kim cương nâu dồi dào, được Rio Tinto khai thác và bán với số lượng khổng lồ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất