Mô phỏng kết cục diệt vong của vũ trụ
Mọi thứ đều có bắt đầu và kết thúc, bao gồm vũ trụ của chúng ta. Nhưng mọi thứ chúng ta biết kết thúc như thế nào và lúc nào điều đó xảy ra?
Hãy bắt đầu từ khu vực chúng ta biết rõ nhất: Hệ Mặt Trời.
Sau 1 tỷ năm nữa, Mặt Trời sẽ sáng hơn 10% so với ngày nay. Điều này sẽ làm tăng nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất, khiến các đại dương bốc hơi nhanh hơn và hủy diệt hầu hết sự sống trên Trái Đất. Không ai có thể sống sót để chứng kiến sự kiến lớn tiếp theo của chúng ta trong 4-5 tỷ năm tới.
Ngay bây giờ, dải Ngân Hà đang bị cuốn vào vũ điệu trọng lực với thiên hà lân cận tên Andromeda. Hai thiên hà lao về phía nhau với tốc độ 402.000km/h và sẽ đâm vào nhau trong gần 5 tỷ năm nữa.
Các nhà thiên văn học dự đoán Hệ Mặt Trời của chúng ta sẽ vẫn nguyên vẹn khi hai "gã khổng lồ" này giao chiến với nhau.
Sau 5-8 tỷ năm nữa, lò hạt nhân Mặt Trời sẽ trải qua thay đổi đột ngột, khiến nó mở rộng tới kích thước cực đại, nuốt chửng sao Thủy, sao Kim và thậm chí cả Trái Đất.
Mặt Trời không phải là thứ duy nhất mở rộng, toàn bộ vũ trụ cũng sẽ như vậy.
Nhưng Mặt Trời không phải là thứ duy nhất mở rộng, toàn bộ vũ trụ cũng sẽ như vậy, và sự mở rộng đó đang diễn ra ngày càng nhanh. Nếu sự mở rộng tiếp tục đẩy nhanh, trong vòng 100 tỷ năm, khoảng cách giữa các thiên hà sẽ lớn tới mức, ánh sáng từ các thiên hà xa xôi sẽ không thể tới chỗ chúng ta. Chúng ta sẽ không thể nhìn thấy hay nghiên cứu bất kì thiên hà nào ở ngoài vùng vũ trụ lân cận của chúng ta, gọi nhóm địa phương.
Nhóm địa phương là tập hợp khoảng 50 thiên hà ràng buộc với nhau do trọng lực. Theo thời gian, khoảng 100-1000 tỷ năm nữa, tất cả các thiên hà này, bao gồm thiên hà của chúng ta sẽ sát nhập thành một thiên hà. Đó chỉ là một trong hàng tỷ thiên hà trong khắp vũ trụ, không thể nhìn thấy hay tiếp xúc với nhau.
Lướt nhanh tới 100.000 tỷ năm nữa, chúng ta sẽ tiến vào kỷ nguyên suy thoái (Degenerate Era), thời điểm mọi ngôi sao trong vũ trụ chết, chỉ còn lại xác sao lạnh tối mờ.
Cuối cùng, sau 10-100 tỷ tỷ năm nữa, những xác sao này sẽ thoát khỏi lực hút của thiên hà hoặc sẽ xoáy tròn vào siêu hố đen ở trung tâm.
Sau 10^33 năm nữa, các hố đen sẽ thống trị vũ trụ của chúng ta, mở ra kỷ nguyên mới gọi là kỷ nguyên hố đen (Black Hole Era), nhưng đó chưa phải là kết thúc.
Cuối cùng, ngay cả hố đen cũng chết. Chúng dần dần đánh mất khối lượng thông qua một hiện tượng mang tên bức xạ Hawking. Trong khoảng 10^100 năm, hố đen cuối cùng sẽ bốc hơi vào quên lãng. Sau thời điểm đó, phần lớn các nhà thiên văn học đồng ý vũ trụ sẽ tiếp tục mở rộng, lạnh dần và mất dần năng lượng trong quá trình. Sau cùng, vũ trụ sẽ không còn năng lượng để sản sinh hành tinh hay ngôi sao mới.
Trong khi kết thúc đáng buồn này sẽ trở thành tương lai của chúng ta, có một kết cục khác ít khả năng xảy ra hơn, có thể đến sớm hơn rất nhiều. Kịch bản đó gọi là "Big Rip". Trong đó lực bí ẩn kéo giãn vũ trụ của chúng ta sẽ trở nên mạnh đến mức, làm rách toạc mọi thành phần cơ bản của mọi nguyên tử trong vũ trụ thành mẩu vụn.
Một số nhà thiên văn học ước tính, kịch bản này có thể xảy ra sớm nhất là sau 1000 tỷ năm nữa.
Dù kịch bản nào xảy ra, kết quả cũng là một vũ trụ không có ánh sáng hay sự sống tồn tại.