Mở quan tài rỗng trong bảo tàng, phát hiện xác ướp 2.600 tuổi

Bảo tàng Nicholson (Đại học Sydney, Úc) đã lưu giữ chiếc quan tài Ai Cập suốt 150 năm nay. Một năm trước, họ mở nó ra và phát hoảng thấy những mẩu xương và một phần chân của xác ướp.

Khi được đưa đến bảo tàng, hiện vật được phân loại là một chiếc quan tài rỗng, bên trong chứa một ít đất đá vụn. Do bản thân quan tài Ai Cập đã là một hiện vật hoàn mỹ, nên mọi người chỉ tập trung bảo quản nó chứ không thử mở vì có thể làm hư hại nó.


Chiếc quan tài được đưa vào máy CT Scanner - (ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp).

Cách đây 1 năm, các nhà khoa học mở quan tài ra lần đầu tiên sau 150 năm để thực hiện một cuộc nghiên cứu. Tiến sĩ khảo cổ Jamie Fraser, thuộc Bảo tàng Nicholson, nói rằng khi quan tài được mở ra, ông đã nghẹt thở như bị ai treo cổ. Trong mớ hỗn độn có tàn tích của một phần bàn chân được ướp và vài đoạn xương.


Những phần còn lại của xác ướp - (ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp).

Phát hiện chỉ vừa mới được công bố bởi các nhà khoa học cần thời gian để nghiên cứu về những thứ họ mới tìm thấy. Các kết quả ban đầu cho thấy chỉ có 10% cơ thể xác ướp nằm trong quan tài.


Khi mở ra, bên trong quan tài trông như chỉ toàn đất đá, bụi bẩn và những mảnh vụn. Nó đã bị những kẻ trộm mộ lục soát thô bạo - (ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp).


Chiếc quan tài đã nằm 150 nay trong bảo tàng, được phân loại là quan tài rỗng - (ảnh: REUTERS).

Tiến sĩ Fraser cho biết xác ướp đã bị hỏng hoàn toàn do sự lục soát thô bạo của những kẻ trộm mộ. Thi hài còn lại chỉ là những mảnh rời rạc, đó có lẽ là lý do chiếc quan tài từng bị cho là không có xác bên trong. Nếu chỉ nhìn sơ, bên trong quan tài giống một mớ bụi bẩn và mảnh vụn hơn một xác ướp. Ngoài phần di hài, các nhà khoa học cũng tìm thấy một vài vật liệu từ đồ tùy táng, khăn choàng và phần băng dùng để quấn xác ướp.

Theo các thông tin ghi trên quan tài, đó có thể là thi hài một phụ nữ mang tên Mer-Neith-it-es. Ước tính bà qua đời vào khoảng năm 600 trước công nguyên, tức 2.600 năm về trước. Các nhà khoa học sẽ dùng phương pháp định tuổi cổ vật bằng đồng vị phóng xạ carbon để xác minh rõ ràng hơn.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất