Mối đe dọa từ bụi siêu mịn
Bụi siêu mịn không chỉ gây ra bất ổn khí hậu mà còn tác động tới tâm lý con người, gây ra sự lo âu, theo những nghiên cứu mới nhất được công bố.
- Bụi mịn trong không khí: Rất đáng lo ngại!
- Ô nhiễm không khí ban đêm có xu hướng tăng
Ảnh hưởng của bụi siêu mịn trong không khí tới môi trường
Gây bất ổn khí hậu, tăng lượng mưa
Theo Figaro, một công trình nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí PNAS của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ cho biết, ô nhiễm bụi siêu mịn tại châu Á không những góp phần vào tác động hâm nóng Trái đất mà còn làm tăng lượng mưa.
Hình ảnh những ngày mưa bụi ở một thành phố bên kia đại dương. (Ảnh: Figaro.)
Riêng Trung Quốc và các quốc gia láng giềng hiện nay thải ra, hàng năm, khoảng 18 triệu tấn hạt siêu mịn. Các công trình nghiên cứu gần đây cho biết các hoạt động của con người ngày càng tạo ra nhiều hạt siêu nhỏ này. Và chính các công trình đó cũng nhận định những hạt bụi siêu mịn không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người mà còn là một nhân tố tác động mạnh đến môi trường nói chung.
Cụ thể, theo các nhà nghiên cứu, có những 1/4 khối lượng của 18 triệu tấn bụi siêu mịn này vượt qua Thái Bình Dương đến tận nước Mỹ. Các hạt bụi siêu nhỏ kết hợp với hơi nước và khí từ đại dương và từ sa mạc đã góp phần làm cho các đám mây trên Thái Bình Dương có thể tích lớn hơn và vì vậy gây ra các trận mưa to hơn.
Cơ chế tác động của những cơn “mưa” bụi hiện nay còn đang được tiếp tục nghiên cứu. Và tác động của những hạt bụi siêu mịn đến môi trường tự nhiên và khí hậu là một hiện tượng hàng đầu cần sớm được giải mã để làm sáng tỏ hơn nhằm đưa ra được phương cách đối phó hiệu quả hơn.
Bụi siêu nhỏ gây ra sự lo âu
Thông tin này hẳn gây bất ngờ với những ai chưa từng nghe đến, nhưng cũng đáng tin cậy vì là kết quả của một nghiên cứu công phu trên quy mô lớn và vừa được công bố trên tạp chí khoa học Anh BMJ (British Medical Journal, ngày 24/3/2015).
Xưa nay, mọi người chỉ biết rằng, các đô thị hiện đại phải đối mặt với một kẻ thù đáng sợ là bụi siêu nhỏ hay siêu mịn, loại sản phẩm chủ yếu do xe cộ hay các hoạt động sản xuất thải ra. Đó là, loại bụi này gây cay mắt, chảy nước mũi, khó chịu cổ họng. Hoặc, có thể biết đến rộng rãi hơn tác hại của bụi siêu nhỏ này đối với hệ thống hô hấp hay tim mạch của con người.
Tuy nhiên, gần đây các nhà nghiên cứu đã phát hiện thêm rằng, bụi siêu nhỏ còn có thể là tác nhân gây ra các rối loạn về tâm lý. Đó là, khả năng bụi siêu nhỏ, một khi xâm nhập vào hệ thống tuần hoàn, thông qua con đường hô hấp, có thể gây ra viêm tế bào não.
Sâu hơn nữa, các nhà khoa học lần đầu tiên tiến hành một cuộc điều tra quy mô lớn làm rõ được mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và tâm trạng lo âu của những người ở một thời gian nhất định trong môi trường bụi đó. Như vậy, hiện tượng này diễn ra theo một cơ chế hoàn toàn mang tính sinh hóa học!
Tác giả công trình là các nhóm nghiên cứu ở hai đại học nổi tiếng ở Hoa Kỳ, Johns-Hopkins (Baltimore, Maryland) và Harvard (Cambridge, Massachussetts). Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các dữ liệu điều tra với một đối tượng đông đảo với hơn 70.000 y tá Mỹ trong một khoảng thời gian dài kể từ năm 1976.
Đồng thời sử dụng một bảng câu hỏi với các câu cụ thể như: "Liệu quý vị có một tâm trạng lo âu mà không rõ nguyên nhân ?" hay "Quý vị có lưỡng lự khi phải đi ra ngoài một mình ?" Hoặc "bị ảm ánh bởi một căn bệnh không có cách chữa ?" Hay "có lo lắng khi người thân về muộn ?”...
Các nhà nghiên cứu cũng xác định nơi ở của những người tham gia cuộc điều tra. Ở các địa chỉ đó, họ tiến hành thu thập các tư liệu về số lượng các hạt bụi siêu nhỏ PM10 và PM2,5, về các điều kiện thời tiết để đánh giá được mức độ nhiễm bụi đối với từng cá nhân.
Cuối cùng, họ đối chiếu các bảng số liệu thu được và rút ra mối tương quan giữa các con số ghi nhận về tâm trạng với các con số về mức độ nhiễm siêu bụi. Các số liệu thu thập cho thấy mức độ lo âu của các y tá tham gia nghiên cứu tỷ lệ thuận với mức độ tiếp xúc với bụi siêu nhỏ có kích cỡ PM2,5, trong thời gian khoảng một tháng trước khi trả lời bảng câu hỏi. Ngược lại, mức độ nhiễm bụi trong thời gian 3 tháng, 6 tháng hay 12 tháng trước khi trả lời, không có tác động gì đến mức độ lo âu. Hiệu ứng của việc tiếp xúc với bụi như vậy rõ ràng mang tính ngắn hạn. Điều đáng chú ý khác là không có dấu hiệu đáng kể nào cho thấy loại bụi kích cỡ PM10 tác động đến tâm trạng (lo âu).
Rõ ràng các kết luận trên đây là có thực và mang tính khoa học. Dù vậy, các nhà nghiên cứu vẫn rất thận trọng với kết quả này, và kêu gọi có thêm nhiều nghiên cứu nữa để xác định thật rõ hơn mối liên hệ giữa bụi siêu nhỏ PM2,5 với tâm trạng con người.
Cũng cần bổ sung thêm rằng, theo một vài bài báo trong cùng tạp chí BMJ, mức độ ô nhiễm đường sá và hàm lượng các loại bụi siêu nhỏ tỷ lệ thuận với mức độ nhập viện do tai biến mạch máu não. Mặt khác, 108 nghiên cứu tại 28 quốc gia do các nhà khoa học Scotland tiến hành, cho thấy không khí tại các nước nghèo và có thu nhập trung bình bị ô nhiễm hơn tại các nước phát triển.
Bất luận các nghiên cứu tiếp tục sẽ còn mang lại những kết quả mới mẻ và chính xác thế nào, nhưng tác hại nhiều mặt của môi trường sống đối với bụi bẩn trong không khí đã quá rõ ràng. Do vậy, việc ngăn chặn sự sản sinh và gia tăng hàm lượng bụi; đáng chú ý là loại bụi siêu mịn, là điều nên làm và phải làm tích cực đối với toàn thể nhân loại trên trái đất này. Đó là trách nhiệm của mọi quốc gia, mọi lĩnh vực hoạt động … và bổn phận của mỗi một con người.
Khái niệm “siêu mịn”
Người ta phân chia bụi trong không khí thành các loại khác nhau theo kích thước hay đường kính từng loại hạt bụi: bụi thông thường là “bụi thô” tức bụi hạt to, rồi đến “bụi mịn” và bụi “siêu mịn”.
Cụ thể, loại bụi có đường kính của mỗi hạt bụi là 10μm được ký hiệu là bụi PM10 được xem như loại bụi mịn hay rất mịn. Còn loại bụi có đường kính của mỗi hạt bụi là 2,5 μm và ký hiệu PM2,5, hay, nói chung, kích thước tính bằng đơn vị micromet (μm) đều được xem là loại bụi siêu mịn.
Bầu không khí dày vài chục mét tính từ mặt đất tràn ngập cơn bụi siêu mịn sẽ tạo ra hình ảnh mịt mù như những cơn mưa phùn nhẹ phơn phớt bao phủ bầu trời. Hai bức ảnh dưới đây được xem là những ví dụ đặc trưng, một ở Việt Nam (Ảnh 1) và một ở Phương Tây (Ảnh 2).
Ảnh 1
Ảnh 2