Môi trường sống nào thu hút nhiều loài nhất?
Đất là nơi sinh sống của 90% nấm, 85% thực vật và hơn 50% vi khuẩn, là môi trường sống có nhiều loài nhất trên thế giới, theo nghiên cứu mới đây.
Theo báo Guardian, những con số mới được công bố cũng cho thấy số loài sống trong môi trường đất đến nay đã tăng gấp đôi so với ước tính của các nhà khoa học vào năm 2006. Lúc đó khoa học thống kê chỉ khoảng 25% loài trên Trái đất sống ở đất.
Loài bọ Holacanthella spinosa sống trong đất, chỉ có ở New Zealand - (Ảnh: PNAS).
“Chúng tôi nhận thấy đất có khả năng là nơi cư trú của 59% sự sống, bao gồm mọi thứ từ vi khuẩn đến động vật có vú, khiến nó trở thành môi trường sinh học sống đa dạng nhất trên Trái đất", các nhà nghiên cứu nói.
Không chỉ vậy, họ còn cho rằng con số thực tế có thể còn cao hơn vì đất chưa được nghiên cứu kỹ.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Mark Anthony - nhà sinh thái học tại Viện Nghiên cứu rừng, tuyết và cảnh quan Liên bang Thụy Sĩ - cho biết trước nghiên cứu này, các nhà khoa học vẫn không xác định được trên Trái đất đâu là môi trường sống của nhiều loài nhất. Nhiều nhà khoa học nghi ngờ đó là đất nhưng không có bằng chứng.
“Các sinh vật trong đất có tác động lớn hơn đối với sự cân bằng của hành tinh chúng ta. Đa dạng sinh học của chúng quan trọng vì đời sống của đất ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, an ninh lương thực toàn cầu và thậm chí cả sức khỏe con người", ông Anthony nói thêm.
Đất là lớp trên cùng của vỏ Trái đất và bao gồm hỗn hợp nước, khí, khoáng chất và chất hữu cơ. Đó là nơi 95% lương thực của hành tinh được trồng.
Một thìa cà phê đất lành mạnh có thể chứa tới 1 tỉ vi khuẩn và hơn 1km nấm.
Các nhà nghiên cứu đã ước tính sơ bộ có tổng số khoảng 100 tỉ loài. Sau đó, họ sử dụng các ước tính lý thuyết và phân tích dữ liệu để tìm ra những loài được tìm thấy trong đất. Họ định nghĩa một loài sống trong đất nếu nó sống trong đó, trên đó hoặc hoàn thành một phần vòng đời của nó trong đất.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí chính thức của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ, PNAS.
Khoảng 1/3 diện tích đất hiện bị suy thoái nghiêm trọng và 24 tỉ tấn đất màu mỡ bị mất đi mỗi năm chỉ do thâm canh, theo một nghiên cứu về "Triển vọng đất đai toàn cầu" do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn.
Ô nhiễm, phá rừng và nóng lên toàn cầu cũng gây hại cho đất.
- Sự độc hại của búp bê Barbie có thể bạn chưa biết
- Mỹ lần thứ hai thu được năng lượng từ phản ứng nhiệt hạch
- Võ sĩ robot nhanh nhất thế giới