Môn võ đang làm "điên đảo" các rạp chiếu phim Việt có phải là vô địch thiên hạ?

Chứng kiến Diệp Vấn tung hoành trên màn bạc, không ít người hồ nghi: Phải chăng Vịnh Xuân Quyền là "thiên hạ vô địch"?

Cơn sốt Ip Man 3 - Diệp Vấn 3 vẫn đang làm mưa làm gió tại các cụm rạp trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh nhưng pha võ thuật đỉnh cao của Chân Tử Đan, không ít khán giả lại đặt câu hỏi: Vịnh Xuân Quyền - thứ võ công Diệp Vấn sử dụng phải chăng là "thiên hạ vô địch"?

Để xác định được điều này, chúng ta sẽ cùng thử phân tích qua bài viết sau đây.

Đôi nét về Vịnh Xuân Quyền

Vịnh Xuân Quyền (hay còn gọi là Vĩnh Xuân Quyền) là một môn võ thuật có nguồn gốc từ Nam Thiếu Lâm tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.

Có rất nhiều ý kiến xung quanh thời gian ra đời của Vịnh Xuân Quyền, nhưng đa số cho rằng môn võ này ra đời từ cách đây khoảng 200 năm trước.

Nhưng phải đến thập niên 70 của thế kỷ XX, Vịnh Xuân Quyền mới trở nên nổi tiếng khắp thế giới.


Võ sư Diệp Vấn và Lý Tiểu Long.

Vịnh Xuân Quyền từ chỗ chỉ được truyền dạy âm thầm trong các gia tộc trở thành một trong những phái võ thuật được nhiều người biết đến và say mê luyện tập nhất.

Dựa trên những con số thống kê hiện nay thì Vịnh Xuân Quyền đang có hàng triệu đệ tử và được chia làm hàng chục hệ phái trên toàn thế giới.

Vịnh Xuân Quyền - "dĩ nhu chế cương" - kẻ thù của làng võ

Quan sát bên ngoài, Vịnh Xuân Quyền không có những chiêu thức cầu kỳ và đẹp mắt. Tuy nhiên đây lại là môn võ có tính sát thương trong thực chiến cực kỳ cao. Đã có rất nhiều chuyên gia tin rằng, Vịnh Xuân Quyền là đỉnh cao của võ công thực chiến.


Hình ảnh võ sư Diệp Vấn trên phim.

Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu về võ thuật, Vịnh Xuân Quyền không phải môn võ được phát triển theo hướng thể thao, biểu diễn hay thị uy mà để tự vệ hoặc tu thân.

Môn võ này rất ít khi động thủ, nhưng hầu như hễ động thủ là gần như sẽ nắm chắc phần thắng.


Đối thủ hung hăng áp sát càng bị phản đòn nặng.

Hiệu quả của môn võ này đến từ việc khả năng hóa giải triệt tiêu và phản đòn bằng chính đòn mà đối phương đã tung ra. Nếu đối phương tung một đấm sẽ nhận lại một đấm, tung một cước sẽ nhận lại một cước.

Yếu quyết của môn võ này là "dĩ nhu chế cương", nhưng không giống như Judo hay Aikido (các môn phái nhu đạo), Vịnh Xuân Quyền có "cương nhu phối triển", tức là kết hợp nhuần nhuyễn giữa "cương" với "nhu" sao cho đạt hiệu quả triệt để nhất.

Cụ thể, người sử dụng Vịnh Xuân Quyền sẽ sử dụng "nhu" để triệt tiêu lực đánh của đối phương, sau đó hóa "cương" để tăng lực phản công ngay tức khắc . Do đó, Vịnh Xuân Quyền hướng tới việc hạn chế tối đa những đòn đánh dư thừa nhằm tiết kiệm thể lực - thứ hạn chế của những võ phái sử dụng nhu đạo.

Trong Vịnh Xuân Quyền, quan trọng nhất là kỹ thuật quấn dính và xoay vòng. Những kỹ thuật này cho phép người sử dụng có thể triệt tiêu lực của đối phương, khiến đối phương bị cuốn theo sự điều khiển của mình rồi sau đó tung đòn phản công quyết định theo nguyên tắc phản lực. Vì thế gần như có thể nói đây là môn võ "kẻ thù" của các võ phái tấn công khác trên thế giới.


Kỹ thuật quấn dính - xoay vòng - và trả đòn.

Vậy phải chăng Vịnh Xuân Quyền là "thiên hạ vô địch"?

Không thể phủ nhận Vịnh Xuân Quyền là môn võ cực kỳ lợi hại. Tuy nhiên cũng giống như vạn vật trên đời, môn võ này cũng có một số yếu điểm nhất định.

Đầu tiên, Vịnh Xuân Quyền chủ yếu chú trọng cận chiến, vì vậy sẽ có một phạm vi hoạt động và tầm di chuyển hẹp. Hơn nữa, dựa trên yếu lĩnh "dĩ nhu chế cương", người sử dụng Vịnh Xuân Quyền sẽ phải di chuyển một cách tương đối bị động khi phải phụ thuộc vào cách di chuyển của đối phương mà không chủ động tấn công ra đòn. Điều này sẽ chỉ có lợi khi đối đầu với những đối thủ hung hăng.

Phạm vi chiến đấu ngắn, nhỏ của Vịnh Xuân Quyền cũng sẽ gây ra một số hạn chế trong hoàn cảnh một mình chống chọi lại với một nhóm 3-4 người trở lên.


Nhưng gặp khó khăn không có nghĩa là sẽ thua. Cao thủ Vịnh Xuân Quyền giống như Diệp Vấn có thể 1 chọi 10 mà vẫn giành phần thắng.

Bên cạnh đó, thế thủ của Vịnh Xuân Quyền cũng có một số hạn chế. Cổ tay được đặt ở vị trí bên dưới xương ức, như vậy là hơi thấp để có một tư thế phòng ngự an toàn nhất.


Chân Tử Đan đã tái hiện thành công hình ảnh võ sư Diệp Vấn.

Ngoài ra, chính yếu lĩnh "dĩ nhu chế cương" của Vịnh Xuân Quyền lại có thể gây nguy hiểm đến người sử dụng. Theo logic, đối thủ công càng mạnh, đòn phản càng đau.

Nhưng khi đối đầu với một đối thủ quá mạnh về dùng sức, có thể chặt 5-6 viên gạch bằng tay không thì kỹ thuật quấn dính, xoay vòng sẽ khó lòng mà hiệu quả. Lực ra đòn của đối phương quá mạnh sẽ khiến cơ thể không thể chịu đựng kịp, khi đưa chân tay ra đỡ đòn có thể làm gãy xương.


Vịnh Xuân Quyền sẽ gặp khó khăn nếu gặp phải đối thủ từ võ phải có lực đánh quá mạnh như quyền Anh.

Một nhược điểm khác của Vịnh Xuân Quyền đó chính là môn võ này sử dụng quá nhiều những cú đấm.

Việc này sẽ chia nhỏ lực tấn công, giảm sát thương so với việc dồn nhiều lực vào một cú đấm như quyền anh.

Ngoài ra, người sử dụng cũng sẽ phải tốn thời gian để nghĩ ra nhiều vị trí cho nhiều cú đấm, có thể ảnh hưởng tới khả năng chiến đấu.


Nếu không lên đến cỡ cao thủ như Diệp Vấn, việc phải đấm quá nhiều lần sẽ trở thành một gánh nặng cho người sử dụng Vịnh Xuân Quyền.

Kết

Ngày nay có rất nhiều phái võ được lập ra trên thế giới. Mỗi môn phái có một điểm mạnh điểm yếu riêng và Vịnh Xuân Quyền cũng không phải là một ngoại lệ, vì vậy khó có thể kết luận đây là võ phái vô địch thiên hạ.

Nhưng dù không "vô đối" như nhiều người nghĩ thì sự mềm mại trong kỹ thuật cùng với tốc độ đánh chóng mặt, Vịnh Xuân Quyền là một trong những môn phái lợi hại hàng đầu hiện nay.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất