Mông cổ: Cái giá phải trả cho môi trường



Ngày 20-11, báo Ardyn Erkh của Mông Cổ đưa tin Bộ Tài nguyên và năng lượng đã đình chỉ 1.800 trên tổng số 4.000 giấy phép khai thác mỏ trên toàn quốc trong vòng ít nhất một năm. Ngoài ra, 254 giấy phép khai thác vàng cũng sẽ bị hủy bỏ.

Luật bảo vệ nguồn nước và rừng, được thông qua vào tháng 7-2009, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mỏ ở các lưu vực sông và khu rừng. Thời gian qua, chính quyền Mông Cổ đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát để xác định những dự án khai thác mỏ nào vi phạm luật. Bộ trưởng tài nguyên Dashdorj Zorigt tuyên bố chính quyền sẵn sàng bồi thường các công ty khai thác mỏ bị thiệt hại do lệnh đình chỉ và hủy bỏ giấy phép này.



Mông Cổ vốn sở hữu một trữ lượng vàng, đồng và uranium thuộc loại lớn nhất thế giới lại nằm ngay cạnh Trung Quốc, nền kinh tế đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Do đó nhiều năm qua, đặc biệt từ năm 2009, vô số nhà đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, Nga, Mỹ, Canada, Úc... đã đổ xô vào Mông Cổ khai thác mỏ.

Theo ước tính của chính quyền, ở Mông Cổ hiện có 1.083 khu mỏ các loại, trong đó chỉ có 419 khu mỏ là hợp pháp. Các hoạt động khai thác mỏ cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp này đã hủy hoại nghiêm trọng môi trường của nước này. Các công ty khai thác mỏ sử dụng công nghệ khai thác lạc hậu như nạo vét lòng sông, nắn dòng chảy, dùng vòi rồng áp lực cao phá hủy các sườn đồi... Hậu quả là trong 15 năm qua, khoảng 900 con sông và suối ở Mông Cổ đã hoàn toàn khô cạn.

Để đãi vàng từ cát sỏi, các công nhân khai thác mỏ thường dùng thủy ngân lỏng và cyanide, sau đó tuồn hết chất thải có chứa thủy ngân và cyanide xuống các dòng sông và suối. Theo Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), để có được 1 gram vàng đãi thì phải thải ra môi trường 2-5 gram thủy ngân.

Khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật (JICA) cũng cho biết các điểm nóng ô nhiễm thủy ngân đều tập trung ở vùng sông Selenge thuộc khu vực bắc trung bộ Mông Cổ. Trong khoảng năm năm qua, các công nhân khai thác mỏ khu vực này đã sử dụng khoảng 2,4 tấn thủy ngân. Khoảng 54% thủy ngân bị thải ra không khí, 44% bị chôn xuống đất. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết ở một số khu vực tại Mông Cổ, mức độ ô nhiễm thủy ngân cao gấp 230 lần so với mức an toàn cho phép.

Thủy ngân và cyanide đã làm các con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chính quyền ước tính 28 lưu vực sông ở tám tỉnh đã “bị ô nhiễm nặng nề”, một số “đã bị hủy hoại đến mức không thể cứu nổi”. Các chuyên gia cũng báo động sông Selenge, dòng chảy chính vào hồ Baikal, đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, trong khi nước lại là một tài nguyên cực kỳ quý hiếm ở Mông Cổ. Hiện tại ở quốc gia này mỗi km2 lãnh thổ chỉ có khoảng 22.000 m3 nước, thuộc nhóm 24 nước có nguồn tài nguyên nước ít ỏi nhất thế giới. Ở nhiều khu vực, người dân đã nhiều lần lên tiếng kêu cứu về hiện tượng quái thai, dị tật ở trẻ sơ sinh và gia súc do nguồn nước bị ô nhiễm.

Tháng 4-2007, người dân làng Khongor Soum, cách thủ đô Ulan Bator khoảng 200km về phía bắc, phát hiện hàng loạt gia súc đã bị chết sau khi uống nước. Khám nghiệm cho thấy trong dạ dày chúng chứa đầy thủy ngân và cyanide. Nhà chức trách phát hiện nguồn nước của làng bị ô nhiễm thủy ngân và cyanide từ một mỏ vàng gần đó. Tỉ lệ cyanide trong nước cao gấp 65 mức độ an toàn cho phép.



Cuộc bùng nổ khai thác mỏ ở Mông Cổ đã phá hủy cuộc sống truyền thống của người dân du mục nước này. Ước tính mỗi năm hàng ngàn người dân du mục đã từ bỏ đồng cỏ, đàn gia súc để lao vào cuộc tìm kiếm vàng và các kim loại quý. Nhiều người kéo cả gia đình, từ trẻ em đến người già, lang thang khắp các khu mỏ bị bỏ hoang để mót vàng sau khi các công ty khai thác lớn bỏ đi... Ước tính hiện có khoảng 10.000 công nhân khai thác mỏ bất hợp pháp ở Mông Cổ, họ xuất hiện như những bóng ma và được mô tả là những ninja. Theo khảo sát của Chương trình môi trường LHQ (UNEP), tổng số công nhân khai thác mỏ thủ công cả hợp pháp và bất hợp pháp ở Mông Cổ lên đến 100.000 người.

Cuộc sống của chúng tôi đang bị đe dọa” - Tsetsegee Munkhbayar, một người chăn gia súc lưu vực sông Onggi, nói. Con sông này đã bị ô nhiễm nặng nề vì các khu mỏ. Để cứu những di sản của vùng, ông Munkhbayar đã thành lập Phong trào sông Onggi, hiện đã có 1.600 thành viên, để bảo vệ môi trường. Họ kéo đến biểu tình ở các khu mỏ và yêu cầu chính quyền có những biện pháp bảo vệ môi trường và khai thác mỏ nghiêm ngặt hơn. Làn sóng chống khai thác mỏ, bảo vệ môi trường đã liên tục diễn ra, không chỉ hạn chế ở một vài khu vực mà đã lan khắp Mông Cổ.

Áp lực từ phía dư luận đã tỏ ra có hiệu quả khi chính quyền đình chỉ hơn 1.800 giấy phép khai thác mỏ. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định cuộc chiến vì môi trường ở Mông Cổ sẽ còn kéo dài vì quan điểm của chính phủ nhìn chung vẫn là ủng hộ khai thác mỏ, nguồn xuất khẩu lớn nhất của đất nước. “Chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng - ông Munkhbayar khẳng định - Tôi chỉ muốn con cháu mình một ngày nào đó lại được tắm táp thỏa thích trên dòng sông Onggi”.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất