Mỏng manh như cánh bướm, số phận chúng sẽ ra sao khi cơn mưa tới?

Dĩ nhiên những chú bướm gặp mưa sẽ đi trốn. Nhưng hiện nay, khí hậu ngày càng khắc nghiệt, cánh bướm khó lòng chống chọi trước mưa to gió lớn.

Có ai nhớ về mùa hè hồi nhỏ với những cơn mưa và chuồn chuồn, bươm bướm bay khắp sân nhà không? Nhưng rồi cảnh tượng đó cũng dần thân thuộc đến nỗi... tầm thường, chẳng còn mấy thu hút sự quan tâm nữa.

Vậy nên có lẽ tuổi thơ của ai cũng có nhiều câu hỏi để ngỏ. Ví dụ như bạn có biết làm sao bươm bướm có thể sống sót trước những cơn mưa giông lớn?

Trước tiên, chúng ta hãy thử nhìn cơn mưa dưới mắt của... loài bướm!

Trung bình một con bướm chúa nặng 500mg, hạt mưa to nặng khoảng 70mg hoặc hơn. Vậy là hạt mưa có sức sát thương rất lớn đối với bướm.


Hạt mưa có sức sát thương rất lớn đối với bướm.

Ví von 1 chút, hạt mưa nó cũng nặng như thể con người bị thả 2 quả bóng bowling rơi trúng đầu vậy.

Hơn nữa, khi trời nắng, bướm sẽ dang rộng đôi cánh ra - điều này giúp chúng hấp thụ nhiệt, từ đó mới có đủ năng lượng để bay.

Khi trời mưa, khả năng bay của chúng hạn chế, rất dễ làm mồi cho kẻ ăn thịt như chim và các loài sâu bọ khác. Mặt khác, gió giật mạnh cũng là một mối nguy khôn lường.

Tất cả những lí do trên đã giải thích vì sao chúng ta rất ít thấy bướm bay trong mưa bão. Thay vào đó, chúng sẽ khép đôi cánh lại, tìm chỗ trú ẩn an toàn. Đó là chỗ dưới tán lá, nhánh cây, mảnh lá vụn, khe nứt của đá, bụi cỏ cao hay thậm chí là hàng rào của con người.

Ở những nơi có bão vào mùa đông, điều kiện sống còn khắc nghiệt hơn. Do càng ở gần mặt đất, nhiệt độ càng xuống thấp nên bướm phải cố bay lên cành cao. Ngoài ra, xung quanh thân cây sẽ tỏa ra nhiệt giúp bướm ấm áp hơn.

Sống gần gũi với thiên nhiên, thổ dân Zuni ở Mexico từng truyền miệng rằng: "Thấy bướm trắng bay về phía Tây Nam, tức trời sắp mưa lớn".


Bướm sẽ trú ẩn dưới tán lá tránh mưa.

Thật vậy, bướm sẽ dáo dác tìm nơi trú ngụ khi trời muốn mưa và ở đó im lìm suốt nhiều giờ đồng hồ.

Qua cơn mưa, trời lại sáng, bướm liền kéo nhau từng đàn bay ra ve vãn, tạo nên cảnh tượng vô cùng đẹp mắt khiến những tay săn ảnh hay người yêu thiên nhiên phải choáng ngợp!

Những mối đe dọa mới...

Dù sao, số phận của bướm cũng rất mong manh. Như vào mùa đông năm 2016, một trận bão lớn bất thường đã quét qua khu bảo tồn thiên nhiên El Rosario của Mexico, làm chết 40% cá thể bướm.

Một trong những lí do khiến bướm chết hàng loạt như vậy là tán rừng ngày càng thưa thớt. Trên thực tế, tán rừng đóng 2 vai trò vô cùng quan trọng đối với sinh vật sống bên dưới.

Theo tạp chí Côn trùng học Hoa Kỳ, rừng vừa là "tấm chăn giữ nhiệt" vừa là "chiếc ô che mưa" giúp bươm bướm và các loài vật khác đỡ ướt lạnh.


Những lí do khiến bướm chết hàng loạt như vậy là tán rừng ngày càng thưa thớt.

Bướm là loài côn trùng nhỏ, chuyên hút phấn hoa, mật hoa, góp phần giúp việc giúp hoa thụ phấn. Ngược lại, hoa lá cây cỏ cũng là "mái vòm" bảo vệ loài bướm trước thiên nhiên khắc nghiệt.

Nhưng khi bàn tay của con người bắt đầu cải tạo tự nhiên nhiều hơn, mọi thứ đã thay đổi. Vẻ đẹp của loài bướm khiến chúng bị săn bắt, giữ lại xác cho vào các bộ sưu tập. Rừng tự nhiên bị tàn phá, làm thay đổi môi trường sống của các loài sinh vật.


Vẻ đẹp của loài bướm khiến chúng bị săn bắt, giữ lại xác cho vào các bộ sưu tập.

Nhiều loài bướm khắp thế giới từ Nam Mỹ, Đông Nam Á, châu Úc đến châu Âu đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Một số loài được pháp luật bảo vệ, một số được nuôi trong trang trại, các biện pháp khác cũng đang được ban hành. Hy vọng rằng vẫn chưa quá muộn để cứu lấy loài côn trùng này.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất