Một hành tinh khác sống được nhờ phủ kim tuyến?
Thành phố của con người ở hành tinh khác có thể được xây dựng dưới một bầu trời lấp lánh kim tuyến làm bằng những hạt kim loại nano.
Nghe có vẻ điên rồ nhưng hành tinh với bầu trời đầy kim tuyến có thể sẽ là sao Hỏa.
Cụ thể hơn, một nhóm nhà khoa học do kỹ sư Samaneh Ansari từ Đại học Northwestern (Mỹ) dẫn đầu đã đưa ra bản kế hoạch đặc biệt về cách biến hành tinh đỏ thành nơi phù hợp với sự sống.
Việc phun vật liệu giống kim tuyến lên bầu trời sao Hỏa được cho là sẽ dần biến hành tinh này trở nên giống Trái đất sau vài thế kỷ - (Ảnh: NASA)
Theo Science Alert, kế hoạch biến sao Hỏa thành thuộc địa đã nằm trong tầm ngắm của nhiều cơ quan vũ trụ trên thế giới. Nhưng có nhiều rào cản, ví dụ khí hậu lạnh giá.
Nhiệt độ của sao Hỏa giảm xuống quá thấp so với mức con người dễ dàng chịu đựng: Trung bình là -64 độ C.
Chiến lược mới, gọi là "nanorod", dựa trên một số đề xuất trước đây về việc bơm thêm khí nhà kính vào khí quyển sao Hỏa để làm nóng hành tinh, như cách Trái đất của chúng ta đang bị làm nóng.
Sao Hỏa ấm áp hơn sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển các cộng đồng vi khuẩn quang hợp, thứ sẽ làm giàu oxy dần cho hành tinh.
Vấn đề là sao Hỏa không có nhiều thành phần cần thiết cho chiến lược này và việc vận chuyển khí nhà kính với lượng lớn từ Trái đất hay khai thác chúng sâu bên trong hành tinh đều quá tốn kém.
Với phương án mới, các nhà khoa học Mỹ đề xuất tận dụng chính vật liệu dễ khai thác trên hành tinh đỏ: Kim loại.
Các robot thám hiểm của NASA đã xác nhận đất bề mặt của hành tinh này rất giàu kim loại như sắt và nhôm, trong đó sắt là thứ khiến nó luôn có màu đỏ.
Vì vậy, nếu khai thác hàng tấn kim loại từ chính mặt đất hành tinh, sau đó bắn chúng - dưới dạng các hạt li ti - bằng một thiết bị giống như khẩu pháo siêu mạnh, chúng ta sẽ tạo ra những đám mây kim loại đủ để giữ lại năng lượng ấm áp của Mặt trời cho hành tinh.
Theo các tác giả, kế hoạch của họ khả thi hơn 5.000 lần so với các kế hoạch khác.
Thứ kim tuyến họ dùng có dạng thanh siêu nhỏ, tỉ lệ 60:1, cùng kích thước với các hạt bụi sao Hỏa, nhỏ hơn kim tuyến mà chúng ta hay dùng trong các buổi tiệc.
Kích thước và hình dạng của các thanh nano sẽ ngăn bụi rơi xuống sao Hỏa lâu hơn 10 lần so với bụi tự nhiên.
Nếu được giải phóng với tốc độ liên tục là 30 lít mỗi giây, các thanh nano sẽ tạo ra sự nóng lên cần thiết, khiến băng bề mặt tan chảy và làm tăng áp suất khí quyển khi băng carbon dioxide thăng hoa.
Sẽ mất vài thế kỷ để sao Hỏa thực sự ấm áp như Trái đất, nhưng nó sẽ ấm thêm khoảng 28 độ C sau vài thập kỷ. Đó vẫn là độ âm khó chịu với con người, nhưng đủ để vi khuẩn mà chúng ta đưa lên phát triển và quang hợp, từ đó dần cải tạo hành tinh.
Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances.
- Tàu không gian bí ẩn của Trung Quốc lần đầu bị ghi hình
- Botulinum H: Chất độc tự nhiên khủng khiếp nhất đối với con người
- Cận cảnh loài rắn độc mới được phát hiện tại Việt Nam