"Mũ bảo hiểm" làm từ hộp sọ hàng nghìn năm trước

Hai bộ hài cốt của trẻ sơ sinh vùng Salango được phát hiện đeo hộp sọ của đứa trẻ khác từ 2.100 năm trước.


Hộp sọ vẫn gắn chặt trên đầu bộ hài cốt từ nghìn năm trước. (Ảnh: Live Science).

Các nhà khảo cổ đã phát hiện hai bộ hài cốt trẻ sơ sinh đeo hộp sọ của những đứa trẻ khác, được chôn cất cách đây 2.100 năm. Phần còn lại của hai bộ hài cốt được tìm thấy trong chín phần mộ khác nhau tại vùng Salango, bờ biển miền trung Ecuador. Kết quả khảo cổ được công bố trên tạp chí Latin American Antiquity.

Nhóm nghiên cứu cho biết đây là trường hợp duy nhất sử dụng hộp sọ như "mũ bảo hiểm" để đeo trên đầu những đứa trẻ được chôn cất. "Điều đặc biệt là hộp sọ được đeo vẫn còn gắn chặt trên đầu những đứa trẻ được chôn", thành viên nhóm khảo cổ nói và cho biết có khả năng phần xác thịt trong hộp sọ là chất keo dính giúp hộp sọ được giữ chặt trên đầu bộ hài cốt.

Hiện nay, các nhà khảo cổ tiến hành nghiên cứu để giải thích việc sử dụng hộp sọ để đeo trên đầu những đứa trẻ. Một số ý kiến cho rằng đó có thể là hình thức nghi lễ tâm linh để bảo vệ linh hồn, một số cho rằng để bảo vệ phần xương bên trong hộp sọ. Qua nghiên cứu, xương của hai bộ hài cốt trẻ em này được cho là bị suy dinh dưỡng, nguyên nhân là do nạn đói từ những trận phun trào núi lửa ảnh hưởng tới sản xuất thức ăn. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu phát hiện một bức tượng tổ tiên được làm bằng đồng bên cạnh hài cốt, "với niềm tin sẽ bảo vệ và tiếp thêm sức mạnh cho bộ tộc", nhóm khảo cổ viết trong bài nghiên cứu.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất