Mùa bão 2018: Bão dịch chuyển bất thường, cần đề phòng những vùng "ít nhạy cảm"
Khu vực miền Trung luôn được ví là “rốn bão”, còn miền Nam lại hiếm khi có bão. Tuy nhiên, xu hướng bão đang có sự dịch chuyển dần về phía Nam và xuất hiện ở những vùng ít khi có bão.
Dịch chuyển bất thường?
Quy luật bão xuất hiện trong năm là bắt đầu từ phía Bắc sau đó dịch chuyển vào Nam. Trong các vùng này, khu vực miền Trung được nhiều người ví là “rốn bão”, trong khi miền Nam lại hiếm khi có bão.
Theo quy luật, các cơn bão đầu mùa thường hướng vào miền Bắc, sau đó dịch chuyển dần xuống phía Nam Việt Nam.
GS.TS Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng và Hải dương học, Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội giải thích, quan điểm miền Trung luôn là rốn bão bởi bão xuất hiện ở miền Trung thường vào thời kỳ mùa thu và đầu mùa đông, khi mà dải hội tụ nhiệt đới dịch chuyển vào khu vực này.
Một khi có bão xuất hiện nếu kèm theo có không khí lạnh tràn về, sự tương tác giữa các hệ thống thời tiết nhiệt đới và ôn đới cộng với vai trò của địa hình thường gây nên mưa lớn. Sông ở miền Trung ngắn và dốc. Nếu có mưa lớn xuất hiện thường dễ dẫn đến lũ lụt lớn gây thiệt hại nặng nề. Đấy là chưa kể đến tác động của hàng loạt các hồ đập thuỷ điện ở thượng nguồn của các con sông. Vì thế, dấu ấn “miền Trung luôn là rốn bão” không phải miền Trung có nhiều bão hơn khu vực phía Bắc mà chính là hậu quả lũ lụt của bão.
Sông ở miền Trung ngắn và dốc. Nếu có mưa lớn xuất hiện thường dễ dẫn đến lũ lụt lớn gây thiệt hại nặng nề. (Ảnh minh họa).
Miền Nam rất hiếm khi có bão bởi những tháng cuối năm, ngoài ảnh hưởng của không khí lạnh (mặc dù khu vực phía Nam không lạnh như ngoài Bắc), dải hội tụ nhiệt đới cũng dần dần yếu đi và dịch chuyển xuống Nam bán cầu. Điều kiện hình thành bão (nhiệt độ mặt nước biển trên 26.5 độ C,...) không thuận lợi nên khu vực phía Nam thường rất ít bão.
Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều thông tin cho rằng, bão có xu hướng dịch chuyển dần về phía Nam và xuất hiện ở phía Nam nhiều hơn. Về quan điểm này, GS.TS Phan Văn Tân cho biết: “Quan điểm này mới dựa trên con số thống kê để đưa ra nhận định đó. Nhưng có vẻ nó đúng.
Về nguyên nhân, có thể do khí hậu biến đổi, nhiệt độ bề mặt Trái Đất nói chung (cả biển và lục địa) nóng lên không đều nhau ở các vùng khác nhau, dẫn đến có sự biến đổi trong chế độ hoàn lưu của khí quyển và đại dương mà hệ quả là làm dịch chuyển các vùng thuận lợi cho bão hình thành và hoạt động”.
Cần đề phòng khu vực "ít nhạy cảm"
Theo GS.TS Phan Văn Tân, trước sự dịch chuyển của bão, các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, và chính các cơ quan truyền thông cần đóng vai trò tiên phong trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng. Ở khu vực phía Nam người dân hầu như không có hay có rất ít kinh nghiệm phòng tránh và ứng phó với bão nên họ dễ bị tổn thương nhất đối với hiện tượng này.
Ảnh hưởng của các cơn bão tới khu vực phía Nam nước ta.
Đồng quan điểm, TS Phạm Đức Thi, nguyên cán bộ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn), cho rằng, với những gì đang diễn ra, không chỉ đề phòng bão mạnh (thậm chí là siêu bão), bão có đường đi phức tạp, chúng ta còn cần đề phòng cả bão ở những vùng ít khi có bão, ví dụ như phía Nam nơi từ xưa tới nay được xem là ít có bão.
Theo vị chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực này, bão Linda trong quá khứ hay gần đây là bão Damrey của năm 2017 là những dẫn chứng rất điển hình. Điểm nổi bật của những cơn bão này không chỉ là mạnh mà còn là đổ bộ vào những khu vực không thường xuyên có bão.
TS Phạm Đức Thi phân tích: Từ sự xuất hiện của những cơn bão này đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề. Thứ nhất, trong quá khứ, bão mạnh thường phải vài chục năm mới xảy ra, thậm chí cả đời người mới chứng kiến bão mạnh một lần. Tuy nhiên giờ đây bão mạnh đã xuất hiện nhiều hơn, dồn dập hơn, chứ không đợi cả đời người.
Những cơn bão như Linda trong quá khứ sẽ có thể lặp lại bất cứ khi nào. Thứ hai, đấy là vấn đề phòng chống bão và nâng cao năng lực đối phó với thiên tai. Chúng ta cần phải chuẩn tâm lý đón bão không chỉ ở những khu vực hay có bão mà còn phải để ý đến những vùng ít có khả năng bão ảnh hưởng đến.
Cảnh tan hoang sau một cơn bão.
Ngoài ra, ngay cả những vùng này, cũng cần chuẩn bị các kỹ năng phòng tránh bão, đặc biệt là cần tránh tâm lý chủ quan “không có bão ở khu vực này”.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, cũng cho rằng, theo quy luật, hàng năm sẽ có khoảng 2 ảnh hưởng trực tiếp tới Bắc Bộ, 3-4 cơn ảnh hưởng đến Trung Bộ còn phía Nam thì rất ít. "Nhưng điều này không cho phép các khu vực phía Nam được phép chủ quan. Bão Linda trong quá khứ là một ít dụ điển hình", ông Hải khuyến cáo.