Mưa bất thường ở Nam Bộ

Trong mấy ngày vừa qua, mưa giông đã xuất hiện nhiều nơi ở Nam Bộ và Tây Nguyên. Đặc biệt đã có mưa lớn ở Bạc Liêu, Cà Mau, Bình Phước… Có phải đang bắt đầu vào mùa mưa?

Trên ảnh mây vệ tinh hôm qua 23.3, mây giông bao phủ toàn bộ khu vực Nam Bộ, nam Tây Nguyên và nam Trung Bộ. Trên vùng biển phía Nam, mây giông cũng xuất hiện dày đặc. Tại TP.HCM chiều tối qua cũng đã có mưa nặng hạt ở khu vực trung tâm TP. Một hiện tượng thời tiết giống như mùa mưa.

Đề phòng giông, sét, gió giật...

Giải thích về hiện tượng này, thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan (Đài khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực Nam Bộ) cho biết, đó là do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh (KKL) từ mấy ngày trước đã tăng cường xuống đến Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, đồng thời trục rãnh thấp xích đạo đang hoạt động với những nhiễu động hình thành trên trục rãnh này. Trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có mưa liên tục trong mấy ngày qua, trong đó tại Bù Nho có mưa to (34 mm). Các tỉnh dọc theo biên giới như Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang có nơi mưa vừa đến mưa to. Đặc biệt, tại Bạc Liêu và Cà Mau có mưa rất to. Lượng mưa đo được từ tối 22.3 đến trưa hôm qua là 77 mm tại Cà Mau và 108 mm tại Bạc Liêu. Bà Lan dự báo tình hình mưa ở Nam Bộ sẽ còn xảy ra trong một vài ngày nữa, có nơi mưa vừa đến mưa to, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL và phía bắc miền Đông. TP.HCM cũng có thể có mưa trên diện rộng. Cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm xảy ra như giông, sét, gió giật, mưa đá... trong những ngày này.


Mây giông phát triển dày đặc trên khu vực Nam Bộ và trên vùng biển phía Nam - Nguồn: Trung
tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư

Ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Đài KTTV khu vực Nam Bộ cho biết, hiện tượng thời tiết hiện nay giống như mùa mưa, nhưng chưa phải là mùa mưa đang bắt đầu, mà chỉ là một đợt mưa trái mùa. Đặc biệt trong tháng 3 năm nay, những đợt gió mùa đông bắc tràn sâu xuống phía Nam, cùng với sự xuất hiện của những nhiễu động trong trường gió đông đã làm cho mây giông phát triển và mưa trái mùa xảy ra nhiều hơn. Theo ông Giám, hệ thống thời tiết gây mưa hiện nay là hoàn toàn khác với hệ thống thời tiết chủ đạo trong mùa mưa ở Nam Bộ. Ông giải thích thêm: Mùa mưa ở Nam Bộ bắt đầu khi có sự xuất hiện của gió mùa tây nam, còn hiện nay vẫn đang chịu tác động của gió mùa đông bắc, phải chờ đến đầu tháng 4 tới mới có nhận định chính xác.

Nói về ảnh hưởng của mưa trái mùa, ông Giám cho rằng, có mặt lợi và cũng có mặt hại. Đối với những vùng khô hạn, cần nước tưới thì đó là những trận mưa vàng. Ở những cánh rừng có nguy cơ cháy cao, mưa trái mùa sẽ giảm được nguy cơ này. Nhưng với những vườn cây đang ra hoa, như cây điều, những cơn mưa trái mùa vào thời điểm này sẽ làm rụng hoa, giảm đậu trái. Một điều chắc chắn rằng, thời tiết mưa, nắng thất thường như hiện nay sẽ làm cho con người dễ bị mắc bệnh, nhất là trẻ em. Trên nhiều loại cây trồng, mưa trái mùa sẽ làm cho sâu bệnh phát triển nhiều hơn.

Đợt không khí lạnh mới

Trong khi đó, ở miền Bắc đang chuẩn bị đón nhận một đợt KKL mới, nối tiếp đợt KKL có cường độ khá mạnh đã xảy ra trong 2 ngày vừa qua. Trước đó, liên tiếp trong 4 ngày (từ 15 -18.3), do ảnh hưởng của KKL tăng cường kết hợp với rãnh gió tây trên cao, nên ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra mưa vừa, có nơi mưa to, gây ra rét hại với nhiệt độ trung bình ngày phổ biến 10 - 12 độ C.


Điều bị trốc rễ, bật gốc - Ảnh: Nhật Văn

Còn về đợt KKL mới này, theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư, khoảng trưa chiều nay (24/3) sẽ tăng cường yếu xuống các tỉnh miền Bắc nước ta, do đó ở Bắc Bộ có mưa vài nơi; Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa. Gió đông bắc trong đất liền lại mạnh lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4 - 5; ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật trên cấp 7 - 8, biển động. Khu vực bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh. Còn vùng biển từ Bình Thuận - Cà Mau, Cà Mau - Kiên Giang và khu vực nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa giông mạnh, trong cơn giông cần đề phòng có tố lốc và gió giật mạnh.

Mưa đá kèm lốc xoáy

Hôm qua 23.3, Phòng Nông nghiệp H.Bù Gia Mập (Bình Phước) đã thống kê sơ bộ, cơn mưa đá kèm theo lốc xoáy với cường độ mạnh vào tối 22.3 đã làm hư hỏng khoảng 500 ha điều, cao su, cà phê; ước tính thiệt hại khoảng 50 tỉ đồng.

Trong khi đó tại Bạc Liêu, trận mưa lớn và kéo dài từ 1-9 giờ ngày 23.3 làm hầu hết các tuyến đường trong nội ô TP Bạc Liêu bị ngập sâu; nhiều đoạn đường xe cộ không thể đi lại được; rất nhiều nhà bị ngập. Theo Sở NN-PTNT tỉnh, trận mưa này đã giải cơn khát khô hạn kéo dài cho hơn 10.000 ha lúa vụ 3 trong toàn tỉnh, song cơn mưa cũng làm 3.300 ha muối ở vùng ven biển bị thiệt hại, 23.000 tấn muối bị mất trắng, tổn thất hơn 10 tỉ đồng; hàng chục ngàn ha tôm mới nuôi cũng bị ảnh hưởng vì môi trường thay đổi đột ngột.

Nhật Văn - T.T.Phong

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất