Mưa kim cương sẽ thường xuyên hơn trên khắp vũ trụ

Các nhà khoa học đưa ra kết luận trên sau khi thực hiện các nghiên cứu mới về điều kiện hình thành mưa kim cương.

Theo trang IFL Science, các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy mưa kim cương lấp lánh xảy ra ở nhiệt độ và áp suất thấp hơn so với suy nghĩ trước đây.

Điều này khiến những cơn mưa kim cương sẽ trở nên phổ biến hơn, không chỉ trong Hệ Mặt trời mà còn ở những nơi khác trong vũ trụ. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến từ trường của các hành tinh.


Mưa kim cương có thể rơi xuống một số lượng lớn ngoại hành tinh - (Ảnh: SHUTTERSTOCK).

Trước đây, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một lớp màng làm bằng polystyrene (một loại polyme dẻo linh hoạt). Sau đó, họ chiếu tia laser quang học cường độ cao 2.200⁰C để tạo ra sóng xung kích bên trong nhựa và kim cương bắt đầu hình thành.

Nhóm nghiên cứu còn làm cho các hợp chất carbon phản ứng với oxy trong điều kiện áp suất cực cao để tạo ra kim cương.

Tuy nhiên hiện nay, các nhà nghiên cứu nhận thấy họ có thể tạo ra những viên kim cương này ở nhiệt độ và áp suất thấp hơn, nghĩa là chúng sẽ ở trong bầu khí quyển lâu hơn trước khi rơi sâu hơn vào các hành tinh.

Ngoài ra, từ trường của sao Thiên Vương và sao Hải Vương không đối xứng như của Trái đất và được tạo ra từ các lớp dẫn điện sâu bên trong hành tinh. Sự hiện diện của những viên kim cương mang theo khí và băng, khi rơi qua các lớp dẫn điện có khả năng điều khiển từ trường.

Mungo Frost, tác giả chính và nhà khoa học của Phòng thí nghiệm máy gia tốc quốc gia SLAC, cho biết: "Mưa kim cương trên các hành tinh băng giá mang đến cho chúng ta một câu đố hấp dẫn cần giải: chúng cung cấp nguồn nhiệt bên trong và vận chuyển carbon sâu hơn vào hành tinh, điều này liệu có tác động đáng kể đến tính chất và thành phần của hành tinh, cũng như ảnh hưởng đến việc tạo ra từ trường của chúng?".

“Khám phá đột phá này không chỉ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về các hành tinh băng giá, mà còn có ý nghĩa trong việc tìm hiểu các quá trình tương tự ở các ngoại hành tinh ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta”, Siegfried Glenzer, giám đốc bộ phận Mật độ năng lượng cao của SLAC, nói.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Astronomy.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất