Mùi nước hoa của nữ pharaoh quyền lực

Nữ hoàng Hatshepsut có thể cai trị quốc gia như bất cứ một pharaoh nam nào nhưng là phụ nữ, bà có một sở thích đặc trưng: nước hoa.

Thế giới hiện đại cũng đã cảm nhận được một chút mùi hương hoàng gia cổ đại khi các nhà khoa học hoàn thiện nghiên cứu của mình về mùi nước hoa mà nữ hoàng Hatshepsut sở hữu – bà là người đã cai trị Ai Cập cổ đại trong vòng 20 năm kể từ năm 1479 trước Công Nguyên.

Phân tích chiếc lọ kim loại mà vị nữ hoàng nổi tiếng sử dụng, nhóm nghiên cứu thuộc Bảo tàng Ai Cập, Đại học Bonn tại Đức mới đây đã phát hiện những chất cặn còn lại từ nước hoa của nữ hoàng Hatshepsut. Bước tiếp theo sẽ là nỗ lực tái tạo lại mùi hương, có vẻ như loại nước hoa này được tạo ra từ hương trầm đắt tiền nhập khẩu từ Somalia ngày nay.

Mặc dù các món đồ chôn theo quan tài của những đấng cai trị Ai Cập cổ đại có trong các bảo tàng trên toàn thế giới, nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tại tạo được nước hoa của pharaoh.

Hatshepsut trở thành một trong số hiếm hoi các pharaoh nữ của Ai Cập cổ đại khi người em cùng cha khác mẹ đồng thời là người chồng, Pharaoh Thutmose II, chết mà không có con trai nối dõi. Bà trở thành người đồng nhiếp chính cho đến khi con của chồng với một phi tần khác là Thutmose III trưởng thành, nhưng bà đã cai trị ngai vàng rất hiệu quả và được hội đồng hoàng gia cũng như quan chức tôn giáo công nhận là pharaoh cho đến khi bà mất vào năm 1457 trước Công Nguyên.

Mặc dù là phụ nữ, hai thập kỷ làm pharaoh của Hatshepsut được coi là thời kỳ đặc biệt hưng thịnh. Theo các nhà sử học, bà cai trị đất nước như một người đàn ông. Bà cũng đã trải qua ít nhất một chiến dịch quân sự nhưng vẫn duy trì hòa bình cho phần lớn người dân Ai Cập, đồng thời cũng thực hiện được một số dự án công trình ấn tượng.

Có lẽ Hatshepsut được biết đến nhiều nhất với sự kiện tại lập các con đường thương mại phía nam vốn bị gián đoạn bởi chiến tranh, góp phần làm đế chế của bà thêm thịnh vượng. Theo các tài liệu cổ, bà cũng cử một đoàn người đến vùng đất Punt cổ đại – ngày nay được gọi là chiếc sừng của Châu Phi – trở về với những con thuyền chứa đầy nhựa thơm, hương trầm và đáng chú ý là những cây hương trầm sau đó được chồng ngay gần đền mộ của bà (mộ thường được xây ngay trước khi pharaoh băng hà).

Michael Höveler-Müller – người phụ trách Bảo tàng Ai Cập, Đại học Bonn – cho biết: “Hương trầm đặc biệt có giá trị vào thời Ai Cập cổ đại, chỉ được sử dụng trong đền thờ và cho những vị thánh sống (ví dụ như vua chúa).”

Các nhà nghiên cứu cho rằng họ đã phát hiện chính loại hương trầm này trong chiếc lọ chạm vàng có khắc tên của nữ hoanf. Sử dụng kỹ thuật tia X, phần cặn của chất lỏng đã hiện hình dưới đáy. Các nhà dược học sẽ phân tích chất cặn này và chia thành các thành phần với hy vọng tái tạo được mùi hương vào thời điểm 3500 sau khi Hatshepsut lần cuối sử dụng nó.

Höveler-Müller cho biết: “Tôi đã đi tìm kiếm chất cặn của nước hoa bởi đó là một đầu mối có giá trị. Hình dáng của chiếc lọ cũng cho thấy nó là một chiếc lọ đựng nước hoa nổi tiếng, ban đầu bị đóng nắp”.

Việc sử dụng nước hoa rất phổ biến ở những người phụ nữ tầng lớp trên của xã hội Ai Cập cổ đại nhưng họ cũng không sử dụng loại hương trầm hiếm có.

Höveler-Müller nói: “Nước hoa thời Ai Cập cổ đại là một dạng dầu, sản phẩm chỉ dành cho tầng lớp trên. Những người Ai Cập sử dụng các loài hoa, quả và gỗ thơm của địa phương để tạo nước hoa. Họ đưa các nguyên liệu vào dầu không mùi cho đến khi dầu có mùi.”

Sở thích đối với hương trầm của nữ hoàng Hatshepsut có liên quan đến khao khát kiểm soát quyền lực của bà – một điều mong manh đối với một trông số các pharaoh nữ trong lịch sử Ai Cập. Rất nhiều các bức vẽ và tượng của và cho thấy bà ăn mặc như một người đàn ông trong y phục hoàng tộc và một số người thậm chí còn mô tả bà có mang râu. Các chuyên gia nghiên cứu Ai Cập cho rằng, việc mang một sản phẩm xa xỉ như thế khiến người đó được dành riêng để phục vụ cho thần thánh và vua chúa, đây là một cách củng cố địa vị của bà như là một đấng cai trị tối cao của Ai Cập.

Các chuyên gia nghiên cứu Ai Cập cũng đã phát hiện ra xác ướp của nữ hoàng Hatshepsut vào năm 2007 nhờ vào kỹ thuật tia X và DNA, khiến bà trở thành nhân vật hoàng gia Ai Cập cổ đại đầu tiên được nhận diện kể từ sự kiện vua Tutankhamen (Tut) vào năm 1922.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất