Mỹ lập khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới
Trong một nỗ lực bảo tồn lớn nhất trong lịch sử, Tổng thống Mỹ Bush hôm qua công bố quy hoạch khu vực bảo tồn đa dạng sinh học quy mô lớn trên Thái Bình Dương.
Khu bảo tồn gồm 3 khu vực có tổng diện tích khoảng 500.000 km vuông là nơi sinh sống của loài cua cạn, một đảo chìm được bao quanh bởi san hô hồng, các vùng nước có động vật săn mồi (cá mập, cá voi), rãnh Mariana ở phía tây Thái Bình Dương (sâu hơn 11 km), các vùng nước và san hô quanh ba đảo không có người thuộc quần đảo Bắc Mariana, đảo san hô Rose trên quần đảo Samoa và 7 đảo nằm dọc theo đường xích đạo ở trung tâm Thái Bình Dương.
Tất cả địa điểm thuộc 3 khu vực bảo tồn đều có những loài thực vật, động vật đặc hữu, chẳng hạn như một loài chim ấp trứng bằng nước nóng từ các ngọn núi lửa dưới đáy đại dương. Một số nơi có cấu tạo địa chất độc nhất vô nhị, ví dụ hồ lưu huỳnh (hiện người ta chỉ tìm thấy hồ lưu huỳnh trên vệ tinh mang tên Io của sao Mộc).
Các di sản văn hóa cũng được bảo vệ theo đạo luật bảo vệ di tích cổ được ban hành năm 1906 của Mỹ, cho phép chính quyền cấm hành vi xả rác, đánh bắt cá và khai khoáng.
Trong bài phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng hôm qua, ông Bush nói: “Đối với chim và động vật biển, các khu bảo tồn đại dương sẽ là nơi chúng có thể sinh trưởng và tồn tại mà không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào. Đối với các nhà khoa học, đó là nơi để họ mở rộng kho tàng tri thức của nhân loại. Còn đối với người dân Mỹ, các khu bảo tồn sẽ là nơi tôn vinh nghĩa vụ của chúng ta đối với tạo hóa”.
Hoạt động đánh bắt cá không dùng mìn và lưới, du lịch và nghiên cứu khoa học vẫn được phép diễn ra trong các khu bảo tồn, nhưng phải được chính phủ liên bang cấp giấy phép.
Tổng thống Mỹ cũng cho rằng, 3 khu bảo tồn không chỉ mang đến những lợi ích về sinh thái, mà còn giúp gìn giữ các di sản văn hóa và tinh thần cho các thế hệ sau, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại những khu vực được bảo vệ.
Đây là lần thứ hai tổng thống Bush dùng luật pháp để bảo vệ tài nguyên biển. Hai năm trước, ông biến một khu vực rộng lớn xung quanh các đảo phía tây bắc Hawaii thành khu bảo tồn quốc gia. Chính phủ cấm hoạt động đánh bắt cá, khai thác dầu mỏ và khí đốt, du lịch đối tại các vùng nước và rặng san hô. Vào thời gian đó, vùng này là khu bảo tồn trên biển lớn nhất thế giới.
Brendan Cummings, giám đốc các chương trình thám hiểm đại dương của Trung tâm Đa dạng sinh học Mỹ, ca ngợi lệnh cấm đánh bắt cá tại các khu bảo tồn, nhưng cho rằng giảm khí thải nhà kính mới là giải pháp sống còn đối với nỗ lực bảo tồn san hô dài hạn. "Nếu không giải quyết được tình trạng nóng lên toàn cầu, tất cả biện pháp bảo vệ các dải san hô đều trở nên vô nghĩa", ông nói.
Ngoài việc làm tăng nhiệt độ dại dương, sự tăng lên của khí CO2 còn làm giảm độ kiềm của nước biển, cản trở sự phát triển của san hô.