Năm 2024 là năm nóng nhất từ trước tới nay

Trái đất đang ở vào thời điểm nóng lên ở cấp độ chưa từng có tiền lệ, với năm 2024 gần như chắc chắn sẽ trở thành năm nắng nóng nhất trong lịch sử, vượt mốc ghi nhận vào năm 2023.

Đây là thông tin cập nhật được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố ngày 7-11, ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra từ ngày 11 đến 22-11 tại Baku, Azerbaijan.


Các quan chức Ấn Độ cho biết nước này vừa trải qua đợt nắng nóng dài nhất từng được ghi nhận vào mùa hè này - (Ảnh: AFP).

Cùng ngày Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) công bố báo cáo cho biết từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng cao đến mức khiến năm 2024 gần như chắc chắn sẽ "xô đổ" các kỷ lục nhiệt độ trước đó trừ khi nhiệt độ trung bình trong 2 tháng còn lại của năm đều phải xuống gần bằng 0.

Ngoài ra 2024 cũng là năm đầu tiên ghi nhận nhiệt độ toàn cầu đạt mức tăng hơn 1,5 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.

Cũng trong ngày 7-11, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Gutteres đã gửi thông điệp qua video tới Hội nghị thanh niên về Biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 19 của Liên Hiệp Quốc (COY19).

Ông cho rằng nhân loại đang thiêu đốt Trái đất và phải trả giá; đồng thời nhấn mạnh vai trò then chốt của thanh niên trong hành động chống biến đổi khí hậu.

Các nước cần hành động trước cuộc khủng hoảng khí hậu

Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) công bố báo cáo cho biết các quốc gia trên toàn thế giới phải tăng cường hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, bao gồm tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu có mục tiêu, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ.

Theo Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen, việc không tăng cường các biện pháp thích ứng đã làm suy yếu các phản ứng trước những cú sốc khí hậu, gây tổn hại đến sinh kế của những nhóm dân số nghèo và dễ bị tổn thương.

Do đó việc có nguồn tài trợ lớn và hiệu quả cho các nỗ lực thích ứng theo hướng công bằng và bình đẳng đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đồng thời việc tài trợ cho hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu nên mang tính dự đoán và chiến lược hơn là theo hướng ứng phó, khắc phục hậu quả.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất