Nấm “xui” kiến tự tử
Một loài nấm có khả năng biến những con kiến đục gỗ thành những xác chết biết đi và khiến chúng tới bỏ xác ở một địa điểm thuận lợi cho nấm này phát triển và sinh sản.
Các nhà khoa học vẫn chưa tìm được manh mối nào để giải thích làm sao loài nấm này có thể kiểm soát não của kiến hiệu quả như vậy. Nhưng một nghiên cứu sắp công bố trên tờ American Naturalist số ra tháng 9 sẽ tiết lộ những chiến lược mà loài nấm trên áp dụng sau khi điều khiển cơ thể kiến đã chết tới một vị trí xác định.
Kiến đục gỗ sống ở tầng tán cao trong một khu rừng Thái Lan, và chúng phải di chuyển vất vả xuống tận tầng mặt đất để kiếm ăn. Loài nấm mang tên Ophiocordyceps unilateralis thường sống ở mặt dưới những chiếc lá mọc ở phía tây bắc các tán cây. Đây là nơi có nhiệt độ, độ ẩm và mức ánh sáng mặt trời lí tưởng cho loài nấm này phát triển, sinh sản và lây lan sang cơ thể kiến.
Một khi đã bị nhiễm loài nấm này, kiến bị điều khiển trèo từ tầng tán cao xuống những chiếc lá ở dưới thấp và dùng hàm răng kẹp chặt lá trước khi chết.
“Loài nấm này điều khiển con kiến một cách rất chính xác trong việc bắt chúng di chuyển một quãng đường dài suốt những giờ phút cuối đời và chết ở đúng vị trí mà nó muốn,” David P. Hughes, cán bộ trường đại học Harvard, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Sau khi con kiến chết, nấm tiếp tục phát triển bên trong cơ thể kiến. Bằng cách giải phẫu cơ thể nạn nhân xấu số, Hughes cùng các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng loài thực vật kí sinh đã biến phần ruột của kiến thành chất đường cung cấp cho quá trình phát triển của mình. Nhưng chúng giữ nguyên phần cơ bắp điều khiển hàm để đảm bảo rằng ngay cả khi chết rồi kiến vẫn bám chắc vào lá.
Nấm này cũng giữ nguyên lớp vỏ ngoài của kiến như một tấm áo bảo vệ nó khỏi sự tấn công của vi khuẩn và các loài nấm khác.
“Loài nấm này đã phát triển những cách thức kì lạ để giữ lại nguồn tài nguyên quý giá của chúng,” Hughes nói.
Sau một đến hai tuần, bào tử nấm sẽ rơi xuống tầng mặt đất, và bám vào những con kiến xấu số khác.
Làm tổ ở tầng tán cao có thể là một bước tiến hóa của kiến để tránh bị nhiễm nấm, Hughes suy đoán. Kiến cũng tránh đi kiếm ăn ở những khu vực có nấm hiện diện. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những phỏng đoán, các nhà khoa học cần tiến hành nghiên cứu thêm trước khi xác nhận điều này.
Nấm điều khiển kiến như thế nào vẫn còn là một bí mật. “Đây cũng là một vấn đề nghiên cứu mà chúng tôi hiện vẫn đang theo đuổi,” Hughes nói.