Nạn nhân sau đột quỵ có giọng nói khác thường
Canada vừa công bố trường hợp đầu tiên về một người phụ nữ mắc hội chứng não hiếm thấy: phục hồi sau cơn đột quỵ, bà bắt đầu nói với giọng khác hẳn.
Người phụ nữ này tên là Rosemary sống tại phía Nam Ontario. Gia đình bà nhận ra thay đổi trong giọng nói của bà 2 năm trước khi bà phục hồi sau một cơn đột quỵ.
Trong hầu hết các trường hợp “hội chứng giọng nước ngoài” (foreign accent syndrome - FAS) khiến người nói có giọng “nước ngoài”. Giọng Ontario của Rosemary bây giờ nghe giống như tiếng Anh Canada Maritime. Hiện tượng này phát sinh từ tổn thương thần kinh ở một số bộ phận của bộ não.
Ví dụ, Rosemary nói một số đoạn tiếng khác hẳn với trước khi bị đột quỵ, bao gồm “dat” thay cho “that”, “tink” thay vì “think”. Bây giờ bà phát âm “greasy” giống như “gracey”, và “dog” nghe giống như “rouge”.
Hiện tượng y học khó hiểu này được làm sáng tỏ khi gia đình Rosemary liên lạc với nhân viên của Đơn vị đột quỵ tại Bệnh viện đa khoa Hamilton. Sau đó nhóm y khoa liên lạc với các nhà khoa học tại chương trình Khoa học và Ngôn ngữ nhận thức tại McMaster.
Nghiên cứu, được trình bày cụ thể trên tờ Canadian Journal of Neurological Sciences số ra tháng 7, là dữ liệu mới về hiện tượng có vẻ rất hiếm thấy kể trên. Tuy nhiên, FAS có thể chưa được báo cáo đầy đủ, vì các y bác sĩ chỉ dựa vào thông tin từ các thành viên gia đình bệnh nhân về sự thay đổi giọng nói sau đột quỵ của người bệnh.
Nhà nghiên cứu Karin Humphreys, đồng thời là chuyên gia tâm lý học tại đại học McMaster cho biết bà Rosemary không hề nhận thấy thay đổi nào trong giọng nói của mình.
Nghiên cứu được Hội đồng nghiên cứu kỹ thuật và khoa học tự nhiên tài trợ.