Năng lượng thay thế từ tảo biển

Tăng trưởng nhanh trong môi trường nước mặn tự nhiên và chứa hàm lượng đường cao là hai ưu điểm nổi trội giúp tảo biển trở thành nguyên liệu đầy tiềm năng cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học và hóa chất tái tạo.

Tin từ tạp chí Science cho biết, các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Kiến trúc Sinh học tại California (Hoa Kỳ) đang nỗ lực nghiên cứu để tạo ra một loại vi khuẩn có khả năng biến lượng đường trong tảo biển nâu thành một nguồn năng lượng tương lai có thể thay thế dầu và than đá.


Tảo nâu

Sở dĩ tảo biển được chú ý và lựa chọn bởi chúng có hàm lượng đường cao không chứa chất lignin (khoảng 60% sinh khối của tảo biển là đường) và cũng không đòi hỏi đất canh tác hay môi trường nước ngọt để nuôi trồng như một số loại nguyên liệu khác.

Đặc biệt, theo tính toán của các nhà khoa học, chỉ cần khai thác tảo biển trên 3% chiều dài đường bờ biển Trái đất là có thể dễ dàng thu được 60 tỷ gallon nhiên liệu sinh học thay thế.

Đó cũng là lý do khiến hoạt động trồng tảo biển nhằm mục đích thương mại ngày càng được nhân rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiện nay, ý tưởng biến tảo biển thành nguồn năng lượng thay thế vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu. Tuy nhiên, khi hoàn thiện và đưa vào ứng dụng thực tế, loại hình công nghệ này hứa hẹn sẽ tạo ra ngày càng nhiều nhiên liệu và hóa chất tái tạo mà không cần sử dụng đất đai hay nước ngọt như các loại cây trồng truyền thống ngô, mía, sắn…

Nghiên cứu trên của các nhà khoa học Hoa Kỳ được coi là bước đột phá trong nỗ lực tìm kiếm và mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo trong tương lai không xa.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất