NASA bắt đầu lắp ráp tên lửa mạnh nhất hành tinh
Các kỹ sư NASA đang xúc tiến ghép các bộ phận của tên lửa SLS được thiết kế để đưa người trở lại Mặt Trăng vào cuối thập kỷ trong chương trình Artemis.
Tầng đẩy nhiên liệu rắn của tên lửa SLS. (Ảnh: NASA).
Tầng đẩy đầu tiên của Hệ thống phóng vũ trụ (SLS) được đặt lên đỉnh bệ phóng di động ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy tại Florida vào đầu tuần này để chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên, theo thông báo hôm 24/11 của NASA. Tổng cộng 10 bộ phận sẽ tạo thành tầng đẩy tên lửa nhiên liệu rắn trước lần đầu cất cánh, dự kiến diễn ra vào năm sau.
Tên lửa SLS là một phần quan trọng trong chương trình khám phá Mặt Trăng Artemis của NASA, hướng tới đưa nữ phi hành gia đầu tiên cùng các đồng nghiệp nam lên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất vào năm 2024. Nhà chức trách NASA cũng hy vọng có thể sử dụng SLS để bay tới sao Hỏa và nhiều điểm đến khác trong không gian sâu. Sau khi lắp ráp đầy đủ, tên lửa SLS sẽ cao hơn tượng Nữ thần Tự do với lực đẩy khi cất cánh mạnh hơn khoảng 15% so với tên lửa Saturn V dùng trong nhiệm vụ Apollo cách đây 50 năm, trở thành tên lửa mạnh nhất mà con người từng chế tạo.
"Việc xếp bộ phận đầu tiên của tên lửa SLS lên bệ phóng di động đánh dấu cột mốc đặc biệt với chương trình Artemis", Andrew Shroble, quản lý vận hành tổng hợp cho biết. "Nó cho thấy nhiệm vụ đang dần thành hình và sẽ sớm tiến tới bãi phóng".
Nhiệm vụ Artemis 1 của NASA sẽ diễn ra vào năm 2021 với hai chuyến bay thử nghiệm quanh Mặt Trăng mà không có phi hành gia. Artemis 2 sẽ phóng năm 2023 với phi hành gia trên tàu để chuẩn bị cho nhiệm vụ Artemis 3 là đưa người hạ cánh xuống Mặt Trăng.
- Tesla xây nhà máy pin lớn nhất thế giới
- Dưỡng chất có nhiều trong cá là “khắc tinh” của ung thư
- Bí ẩn về những người thích ngủ trong quan tài, uống máu động vật