NASA bắt liên lạc với Lunokhod 1 của Liên Xô
Xe bộ hành thăm dò Mặt trăng của Liên Xô, Lunokhod 1 đã được NASA tìm thấy và ngạc nhiên hơn cả, cơ quan này có thể "nói chuyện" với nó, sau 40 năm im lặng.
Ngày 17/11/1970, tàu vũ trụ Luna 17 của Liên Xô đã “gửi” xe bộ hành Lunokhod 1 lên bề mặt Mặt trăng. 11 tháng sau đó, dưới sự điều khiển của một nhóm kỹ thuật viên ở Moscow, Lunokhod đã khám phá được 12 km trên bề mặt Mặt trăng, gửi về Trái đất nhiều dữ liệu. Đây được coi là một trong những thành công lớn nhất của chương trình thám hiểm Mặt trăng của Liên Xô. Tuy nhiên, sau đó, Lunokhod 1 bỗng dưng biến mất. Nó không bị “bắt cóc” hay gặp tai nạn mà chỉ ngừng truyền thông tin.
NASA từng nỗ lực định vị Lunokhod 1. Phải đến đầu năm 2010, tọa độ chính xác mới được xác định. Điều đáng ngạc nhiên là chiếc xe bộ hành này đã bắt được tín hiệu của NASA và gửi tín hiệu phản hồi tới đài quan sát một cách rõ ràng và sắc nét.
Sau khi Lunokhod 1 được đưa lên Mặt trăng, Lunokhod 2 cũng tiếp bước vào năm 1973. Chiếc máy thăm dò thứ hai này vẫn thường xuyên gửi dữ liệu cho các nghiên cứu trên Trái đất. So với đàn em, Lunokhod 1 gửi về những tín hiệu mạnh mẽ hơn.
“Tín hiệu tốt nhất mà chúng tôi nhận được từ Lunokhod 2 trong 7 năm hoạt động là 750 photon nhưng chúng tôi lại nhận được những 2.000 photon từ Lunokhod 1 sau khi bắt liên lạc lại với máy thăm dò này. Có vẻ như Lunokhod 1 có rất nhiều điều muốn nói sau 40 năm im lặng”, Tom Murphy, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Trường hợp của Lunokhod 1 sẽ được NASA nghiên cứu, tìm hiểu để tăng hiệu quả của các máy thăm dò. Thông thường, các máy thăm dò hoạt động yếu đi sau khoảng 10 năm được đưa lên Mặt trăng.
Nguồn: Gizmag