NASA chuẩn bị phóng tàu bay vòng quanh Mặt trăng
Tên lửa SLS khổng lồ và khoang tàu Orion sẽ được kéo tới bệ phóng hôm 17/3 và dự kiến cất cánh cuối tháng 5 năm nay.
Các kỹ sư dỡ bệ đỡ quanh khoang tàu vũ trụ. (Ảnh: NASA)
Các kỹ sư NASA bắt đầu cất bệ đỡ xung quanh tên lửa Hệ thống phóng vũ trụ (SLS) đầu tiên phóng trong nhiệm vụ Artemis bay tới Mặt trăng. Việc cất bệ đỡ ở Trung tâm vũ trụ Kennedy (KSC) của NASA ở Florida là bước quan trọng giúp đưa tên lửa và tàu vũ trụ tới bệ phóng an toàn vào hôm 17/3 trước nhiệm vụ Artemis 1, dự kiến diễn ra vào tháng 5.
Nhiệm vụ không người lái Artemis 1 sẽ đưa tàu vũ trụ Orion bay vòng quanh Mặt trăng nhằm đảm bảo cả tên lửa SLS và tàu Orion sẵn sàng cho các chuyến bay chở người sau này. Artemis 2, nhiệm vụ Artemis chở người đầu tiên, sẽ đưa phi hành gia bay vòng quanh Mặt trăng vào năm 2024, nếu tất cả theo đúng kế hoạch. Artemis 3 sẽ chở người tới bề mặt Mặt trăng sớm nhất năm 2025.
Trọng tâm hiện nay của NASA là Artemis 1. NASA hôm 2/3 cho biết họ đang tích cực chuẩn bị để SLS và Orion sẵn sàng bay. Các đội kỹ sư sẽ tiếp tục lắp đặt thiết bị trên động cơ đẩy kép sử dụng nhiên liệu rắn của SLS bên trong Tòa nhà lắp ráp phương tiện của KSC. Những cảm biến như vậy sẽ cho phép kỹ sư lái tên lửa và tàu vũ trụ qua công nghệ ảo trong hành trình dài 6,5 km tới Tổ hợp phóng 39B và theo dõi tiến trình của nhiệm vụ khi các phương tiện sẵn sàng phóng. Sau khi tới bệ phóng, tổ hợp SLS - Orion sẽ truyền dữ liệu về nhiều hệ thống bao gồm tên lửa, tàu vũ trụ và cơ cấu triển khai trên mặt đất. Việc đổ nhiên liệu và các hoạt động khác trên bệ phóng cũng được ghi hình.
Tổ hợp SLS - Orion sẽ cần trải qua thử nghiệm ướt. Theo lịch trình, thử nghiệm này sẽ diễn ra 2 tuần sau khi bộ đôi tên lửa - tàu vũ trụ tới bệ phóng. Nếu thành công, Artemis sẽ là chương trình đầu tiên đưa con người trở lại Mặt trăng từ khi các phi hành gia Apollo đáp xuống đây trong năm 1969 - 1972.
- 4 kính thiên văn cùng "tóm" được quái vật vũ trụ đang xé bạn đồng hành
- Phát hiện 1 hạt X cực hiếm tồn tại từ thuở sơ khai của vũ trụ
- Lỗ đen gần Trái đất nhất hiện nguyên hình là một "ma cà rồng"