NASA chụp được bằng chứng về hành tinh y hệt Trái đất 2 tỉ năm trước

Hình ảnh được ghi nhận bởi Tàu quỹ đạo Thăm dò sao Hỏa của NASA cho thấy dấu tích rõ ràng về nước lỏng trên bề mặt hành tinh này ở thời kỳ mà trước đây người ta nghĩ nó đã khô cạn.

Phát hiện mới đã đánh đổ suy nghĩ lâu đời là sao Hỏa chỉ có thời gian ngắn ngủi là "hành tinh xanh", sau đó đã chuyển sang khô cằn tận 3 tỉ năm trước. Kết quả phân tích dữ liệu từ máy đo quang phổ trên Tàu quỹ đạo Thăm dò sao Hỏa (MRO) của NASA cho thấy nước lỏng vẫn tồn tại trên bề mặt sao Hỏa khoảng 2 tỉ năm trước.


Dấu vết của muối trong một miệng hố va chạm bề ngang 1,5 km cho thấy nơi đây từng có một ao nước - (Ảnh: NASA)

Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy sao Hỏa - một hành tinh thuộc "vùng sự sống" của Hệ Mặt trời - thực sự từng sống được và có hệ thống sông hồ, đại dương y hệt Trái đất. Nhưng một số quá trình bí ẩn đã khiến nó mất nước và khô cằn như ngày nay, khiến sự sống tuyệt chủng.

Nói trên Sci-News, giáo sư Bethany Ehlmann từ Viện Công nghệ California và tiến sĩ Ellen Leask từ Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng của Đại học John Hopkins cho biết: "Phát hiện của chúng tôi tập trung vào các mỏ muối clorua bị bỏ lại sau khi nước lạnh giá chảy qua khu vực đó bị bốc hơi".

Mặc dù trước đó địa hình một số vùng của sao Hỏa gợi ý sự hiện diện của dòng chảy, nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm được bằng chứng khoáng chất trực tiếp, xác nhận sự hiện diện của nước ở thể lỏng.

Nhóm tác giả phát hiện ra nhiều muối ở nhiều khu vực trên các đồng bằng núi lửa dốc nhẹ, nhưng nơi họ tin là các ao cạn cổ đại.

Nước ở thể lỏng là một trong những điều kiện không thể thiếu để sự sống có thể sinh tồn trên hành tinh đó, vì vậy phát hiện này một lần nữa cho thấy NASA đã đi đúng đường khi chọn sao Hỏa là mục tiêu hàng đầu cho các cuộc săn lùng sự sống ngoài hành tinh.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí AGU Advances.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất