NASA phát hiện hố sâu trên sao Hỏa
NASA công bố bức ảnh chụp một miệng hố sâu khác thường trên bề mặt cực nam của sao Hỏa do tàu thăm dò MRO chụp.
Cấu trúc hình tròn ở cực nam sao Hỏa có thể là miệng hố thiên thạch hoặc miệng hố đất sụt. (Ảnh: NASA).
Tàu Quỹ đạo Thăm dò Sao Hỏa (MRO) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện và chụp ảnh được một miệng hố khác thường ở cực nam sao Hỏa. NASA công bố hình ảnh miệng hố này trên trang web của mình hôm 2/6, theo Cnet.
NASA cho biết, bức ảnh chụp vào cuối mùa hè nên Mặt Trời ở vị trí thấp trên bầu trời. Các dạng địa hình khó nhìn thấy trên bề mặt sao Hỏa hiện rõ trong bức ảnh mà tàu thăm dò MRO chụp từ quỹ đạo. Nhiều miệng hố nông trông sáng hơn. Chúng là những chỏm băng carbon dioxide (CO2) còn sót lại. Ngoài ra còn có một cấu trúc địa hình dạng hình tròn và sâu hơn, có thể là miệng hố thiên thạch hoặc miệng hố sụt, hình thành do mặt đất đổ sụp xuống.
Đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học NASA phát hiện cấu trúc địa hình khác thường trên bề mặt sao Hỏa. Hình ảnh MRO thu thập vào tháng 4 cho thấy các vết địa hình lồi lõm trông giống vảy cá ở cực nam của hành tinh này.