NASA phát triển bản đồ bức xạ 3D đầu tiên bao quanh sao Mộc

Các nhà khoa học tham gia sứ mệnh Juno của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã lần đầu tiên vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về môi trường bức xạ vô cùng khắc nghiệt bao quanh hành tinh khí khổng lồ sao Mộc.

Bản đồ 3D chi tiết này không chỉ mô tả cường độ của các hạt năng lượng cao gần quỹ đạo của Mặt trăng băng giá Europa, mà còn cho thấy cách các Mặt trăng nhỏ hơn quay quanh gần vành đai sao Mộc tác động vào cấu trúc phức tạp của vùng bức xạ này.


Hình ảnh sao Mộc.

Để thực hiện nghiên cứu đột phá này, các nhà khoa học đã tận dụng dữ liệu thu thập từ hai công cụ tiên tiến trên tàu vũ trụ Juno là La bàn sao tiên tiến (ASC) Đơn vị tham chiếu sao với hệ thống 4 camera, qua đó giúp xác định vị trí của tàu vũ trụ trong không gian và đo lường cường độ bức xạ.

Dữ liệu ASC cho thấy sự tồn tại môi trường bức xạ vô cùng mạnh tại khu vực xung quanh quỹ đạo của Mặt trăng Europa so với những gì người ta dự đoán trước đó. Điều này thách thức những hiểu biết trước đây của con người về môi trường bức xạ quanh Sao Mộc.

Bản đồ bức xạ 3D không chỉ là một thành tựu khoa học lớn mà còn cung cấp những thông tin quan trọng cho các sứ mệnh tương lai khám phá sao Mộc và các Mặt trăng của nó. Europa là một trong 95 Mặt trăng của sao Mộc, nhỏ hơn một chút so với Mặt trăng của Trái đất. Giống như Trái đất, Europa được cho là có lớp phủ đất đá và lõi sắt. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Astronomy hồi tháng 3, Mặt trăng này tạo ra khoảng 1.000 tấn oxy cứ mỗi 24 giờ, đủ cho 1 triệu người hít thở mỗi ngày. Lượng oxy này có thể tác động đến đại dương ngầm của Mặt trăng, được cho là chứa lượng nước nhiều gấp đôi tất cả đại dương trên Trái đất cộng lại.

NASA dự định phóng tàu Europa Clipper vào tháng 10 năm nay nhằm tiến hành nghiên cứu chi tiết Mặt trăng Europa và điều tra về khả năng Mặt trăng băng giá này có thể sở hữu những điều kiện phù hợp cho sự sống.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất