NASA phóng tàu vũ trụ sau khi trì hoãn

Tàu con thoi Discovery của Cơ quan không gian Mỹ (NASA) hôm qua rời bệ phóng tại bang Florida, thực hiện sứ mệnh 14 ngày hoàn tất việc nâng cấp Trạm không gian quốc tế (ISS). 


Phi hành đoàn 7 người của Discovery sẽ lắp đặt bộ pin năng lượng mặt trời thứ tư và cũng là cuối cùng cho ISS, nhằm cung cấp thêm điện phục vụ kế hoạch mở rộng trạm không gian này. Trong phi hành đoàn có Koichi Wakata, người sẽ trở thành công dân Nhật Bản đầu tiên làm việc lâu dài trên ISS.

Việc phóng tàu Discovery bị hoãn lại tháng trước do trục trặc kỹ thuật liên quan đến van nhiên liệu. Số hàng do tàu đưa lên ISS sẽ giúp mở rộng trạm từ quy mô phục vụ 3 phi hành gia làm việc hiện nay lên 6 người vào tháng 5 tới. Việc mở rộng khả năng cung cấp điện cũng đáp ứng nhu cầu khai thác đầy đủ các phòng thí nghiệm khoa học kết nối với ISS. Tất cả các bộ pin mặt trời trên trạm có thể sản sinh 120 kilowatts điện sinh hoạt.

Phi hành đoàn Discovery sẽ thực hiện 4 chuyến đi bộ ngoài không gian để lắp đặt bộ pin mặt trời, đồng thời thay thế bộ phận gặp sự cố của hệ thống tinh lọc nước tiểu thành nước uống trên trạm ISS. Nhiệm vụ quan trọng khác tủa tàu là thực hiện "đổi ca" làm việc trên trạm với sự góp mặt lần đầu tiên của phi hành gia đến từ cơ quan không gian Nhật (JAXA).

Đây là chuyến bay thứ 125 của tàu con thoi Mỹ từ trước đến nay, chuyến thứ 28 lên ISS và chuyến thứ 36 của tàu Discovery. Sắp tới sẽ có thêm 8 chuyến bay để hoàn tất việc xây dựng trạm ISS và tích trữ nhu yếu phẩm, trước khi đội bay của tàu con thoi Mỹ nghỉ hưu từ năm 2010.

Trạm không gian quốc tế (International Space Station - ISS) là một tổ hợp nghiên cứu không gian đang trong giai đoạn hoàn thiện, với sự hợp tác của 5 cơ quan không gian lớn nhất thế giới là NASA (Mỹ), RKA (Nga), JAXA (Nhật Bản, CSA (Canada) và ESA (châu Âu). Theo kế hoạch, ISS sẽ hoàn thành vào năm 2011 và hoạt động đến năm 2016.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất