Nếu bị bắt vào viện tâm thần, bạn sẽ phải chứng minh mình bình thường như thế nào? Câu trả lời là đáp án rất hiển nhiên mà ít ai nghĩ tới

Người nào say rượu mà chẳng nhận bản thân đang tỉnh, cũng như người điên nào chẳng bảo bản thân bình thường. Bạn sẽ phải tự chứng minh bằng cách nào mới đủ sức thuyết phục?

01.

Người ta luôn nói rằng: Đừng cố giải thích con người bạn với bất cứ ai. Vì những người hiểu bạn sẽ không cần điều đó. Còn những người không hiểu bạn thì sẽ không tin lời bạn.

Thế nhưng, nếu đặt bản thân vào trường hợp như sau: Bạn đang vô tình bị người ta bắt nhầm vào bệnh viện tâm thần, bạn cần phải giải thích hay chứng minh như thế nào để các bác sĩ ở đây tin tưởng rằng, bạn hoàn toàn là một người bình thường và đồng ý thả bạn đi?

Trong câu chuyện sau đây, có 3 người đã thực sự rơi vào trường hợp “éo le” nhưng khó tin như vậy.

Tại một bệnh viện tâm thần nọ, trên quá trình chuyên chở bệnh nhân, một tài xế đã bất cẩn không trông chừng kỹ lưỡng, để cho 3 bệnh nhân tâm thần bỏ trốn. Để không mất việc, anh ta bèn điều khiển chiếc xe đến một bến xe, giả làm tài xế bình thường và mời gọi sẽ chở khách miễn phí.

Có 3 người bình thường đã trót tin lời anh ta và lên xe.

Tài xế này vội vã đóng cửa, chở thẳng họ tới bệnh viện với tư cách là bệnh nhân. Đương nhiên, họ cố hết sức thanh minh rằng mình chỉ là người bình thường, nhưng các bác sĩ ở đây không một ai tin tưởng cả.

Cuối cùng, ba người đó đã bị nhốt trong viện, bắt buộc phải uống thuốc, điều trị và sinh hoạt như bệnh nhân tâm thần thực sự suốt một thời gian rất dài. Mãi đến 28 ngày sau, họ mới được giải thoát.

Vậy rốt cuộc họ đã tự cứu mình như thế nào?

Khi được hỏi, người đầu tiên trả lời rằng:

“Tôi nghĩ rằng, nếu muốn được ra ngoài, thì đầu tiên phải chứng minh được rằng, bản thân là người hoàn toàn bình thường, không hề bị tâm thần. Thế là tôi đã nói với họ một chân lý hiển nhiên luôn đúng, đó là Trái Đất này có hình cầu. Ngày nào tôi cũng nói như vậy.”

Vậy cuối cùng, người đầu tiên có thành công không?

Không hề. Đến khi anh ta lặp lại điều này tới lần thứ 14, nhân viên y tế đã tiêm một mũi vào mông và bắt anh ta đi ngủ.

Sau đó, đến lượt người thứ hai, anh ta chia sẻ rằng:

“Ngay từ đầu, tôi đã nói với họ rằng tôi là một nhà xã hội học. Tôi cũng kể về những thành tựu mình đã đạt được trong suốt thời gian qua, thậm chí còn nhắc đến cựu tổng thống của Hoa Kỳ là Bill Clinton và cựu thủ tướng của Vương quốc Anh là Tony Blair. Những cái tên nổi tiếng thì sẽ có tính thuyết phục hơn.”

Vậy sau đó, người thứ hai có thành công không?

Câu trả lời vẫn là không. Khi anh ta bắt đầu nói về các hòn đảo Nam Thái Bình Dương và tên của những người lãnh đạo nơi này thì các bác sĩ đã “tặng” cho anh một mũi tiêm. Sau đó, anh chàng không dám nói thêm gì nữa.

Còn người thứ ba thì sao?

Tất cả những gì người thứ ba làm từ khi bị bắt chính là không làm gì cả. Anh ta không tìm cách giải thích gì với bác sĩ mà chỉ đơn giản là sinh hoạt như đúng những gì được sắp xếp. Đến giờ ăn thì đi ăn, đến giờ đi ngủ thì đi ngủ, được gọi đi kiểm tra thì làm kiểm tra. Khi nhân viên y tế tới cạo râu, anh sẽ tử tế cảm ơn họ.

Cứ như vậy, họ cho anh ta xuất viện vào ngày thứ 28.

Sau đó, người thứ ba đã tới khai báo mọi chuyện với cảnh sát, từ đó giải cứu được hai người đồng hành xui xẻo còn lại của mình.

Có thể đi đến kết luận rằng, rất khó để một người bình thường chứng minh rằng mình bình thường. Có lẽ chỉ có người không cố gắng chứng tỏ bất cứ điều gì mới thực sự là người bình thường.

02.

Tương tự như vậy, chúng ta còn có một “Nghịch lý bệnh mù màu” từng là một đề tài gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng.

Nghịch lý này được biết đến với nhóm người mắc chứng bệnh mù màu rất kỳ lạ, họ luôn nhìn màu xanh lá thành màu xanh dương, đồng thời nhìn màu xanh dương thành màu xanh lá, và chỉ có hai màu sắc duy nhất đó là thứ khác biệt với hầu hết mọi người.

Đương nhiên, bản thân người bị bệnh mù màu này không biết mình có gì khác thường so với người khác. Vì khi anh ta nhìn lên bầu trời, tuy anh ta thấy đó là màu xanh lá, nhưng anh ta gọi nó là màu “xanh dương” giống như mọi người. Khi anh ta nhìn vào cây cỏ, tuy anh ta thấy đó là màu xanh dương, nhưng anh ta cũng sẽ gọi nó là màu “xanh lá”. Cho nên, cuối cùng, cả bản thân người mắc chứng mù màu và người thường đều không hề nhận ra sự khác biệt lẫn nhau.

Nghịch lý này khiến người ta phải đặt ra 2 câu hỏi:

Câu hỏi thứ nhất: Làm thế nào để nói cho anh ta biết anh ta khác với mọi người?

Câu hỏi thứ hai: Làm sao chứng minh được bạn không phải nhân vật chính trong câu chuyện trên?

03.

Những người dùng đủ các loại phương thức để chứng minh rằng mình mới là người bình thường, những điều mình biết mới là đúng đắn, những kiến thức mình có mới là phong phú, những điều kiện mình sở hữu mới là giàu có… đều có thể bị xem là người điên, chỉ có điều là chính bản thân họ không biết mà thôi.

Vì càng muốn chứng minh một điều gì, thì càng gián tiếp nói lên rằng, bạn đang thiếu điều đó. Một người không đủ chín chắn mới phải tìm cách biểu hiện với người khác mình trông rất chín chắn, vì họ lo sợ bản thân bị đánh giá là non nớt.

Điều mấu chốt ở đây không phải bản thân bạn thế nào, mà là người khác đánh giá bạn ra sao.

Nhưng có một sự thật là, dù bạn đơn giản đến mấy, trong mắt kẻ phức tạp thì sự đơn giản của bạn cũng có thể biến thành mưu mô. Dù bạn có chân thành đến đâu, trong mắt kẻ nghi ngờ thì sự chân thành của bạn cũng có thể biến thành dối trá. Dù bạn tâm huyết đến đâu, trong mắt những người không hiểu, bạn vẫn có thể bị coi là không biết điều.

Chúng ta chưa bao giờ đánh giá một con người dựa trên hệ thống quy chuẩn nhất định. Rất nhiều thời điểm, ấn tượng được quyết định chủ yếu bởi cảm tính cá nhân. Ai sẽ phân định cảm tính đó là đúng hay sai, là bình thường hay bất thường?

Do đó, đừng quá quan tâm đến đánh giá của người khác, nếu hiểu mình thì không cần giải thích, không hiểu mình thì giải thích cũng vô ích. Không cần người khác giải thích, hãy là chính mình!

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất