Nên cho cụ Rùa Hồ Gươm "sống thử"
Với các công bố khoa học về việc phát hiện những cá thể cùng loài với rùa Hồ Gươm tại nhiều địa phương trên cả nước, các nhà khoa học hy vọng, trong tương lai, có thể nhân nuôi giống rùa quý hiếm này, tránh cho cụ Rùa trước nguy cơ truyệt chủng.
Đã từng tìm thấy trứng rùa Hồ Gươm
Ông Nguyễn Xuân Thuận, nguyên điều phối viên chương trình rùa Việt Nam (thuộc Chương trình rùa Châu Á APT) cho biết, các kết quả điều tra trên quy mô rộng khắp đã khẳng định loài rùa này từng phân bố dọc theo sông Dương Tử, phía Đông Trung Quốc và lưu vực sông Hồng thuộc miền Bắc nước ta.
Các cuộc nghiên cứu toàn diện dọc theo sông Hồng và vùng phụ lưu phía Bắc Việt Nam cũng cho thấy, rùa Hồ Gươm (tên khoa học là Rafetus swinhoei) đã từng tồn tại ở các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Tây và Thanh Hóa.
Ông Trần Ước (Hạ Hòa, Phú Thọ) cho hay, trước đây ở Ao Châu có hàng chục con giải, thỉnh thoảng vẫn nổi lên trên mặt nước. Trong thời gian từ năm 1967 - 1987, chính ông Ước đã bắt được khoảng hơn 20 con, con lớn nhất nặng tới 60 - 70kg, con nhỏ nhất cũng nặng tới 32kg.
Ông Lê Bất Trị (Lâm Lợi, Hạ Hòa, Phú Thọ) cũng bắt được khoảng 15 con trong giai đoạn 1985 - 1995. Tuy nhiên, các khảo sát cũng cho thấy trong vài thập niên gần đây, loài rùa này gần như biến mất khỏi khu vực phân bố của chúng.
Tất cả những người được phỏng vấn ở Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Tây, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đều cho rằng, hiện nay những cá thể rùa này còn rất ít và đã suy giảm rất nhiều so với những năm 1980.
"Điều quan trọng là chúng ta phải tìm được những cá thể rùa Rafetus swinhoei hiện đang còn tồn tại. Không ai có thể nói chắc rằng, rùa Rafetus swinhoei hiện còn sinh sống tại những nơi mà ngày xưa chúng đã từng sinh sống", ông Thuận nhấn mạnh
Qua những đợt khảo sát, TS Nguyễn Văn Sáng (nguyên cán bộ của Viện Sinh thái & Tài nguyên Sinh vật) khẳng định, loài rùa vẫn còn trong tự nhiên. Những người dân ở khu vực suối Hai (Hà Tây cũ) nói, có thể còn 4 con rùa Rafetus swinhoei nữa.
Ngoài ra, tại khu vực đập Đồng Mô (Hà Tây cũ), năm 2008 khi vỡ đập này, một con rùa Rafetus swinhoei nặng khoảng 86 kg đã xuất hiện, sau đó được người dân tự nguyện trả lại hồ. Điều này chứng tỏ việc rùa Rafetus swinhoei còn trong tự nhiên là có.
Theo ông Sáng, về mặt lý thuyết khoa học, đã là cá thể cùng loài thì khả năng nhân nuôi là hoàn toàn có thể. Trước đó, vào khoảng tháng 4 và 5 năm 2000, người ta đã tìm thấy có tới 15 quả trứng rùa nằm lăn lóc trên nền đất cứng tại Gò Rùa, ở Trấn Ba Đình và Đảo Ngọc.
Cho "sống thử" trước khi nhân nuôi
Trao đổi với PV, PGS.TS Phạm Bình Quyền, Trung tâm Tài nguyên và Môi trường, Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội cũng khẳng định: Cơ hội bảo tồn rùa Hồ Gươm là rất lớn. Từ các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, sự hiện diện của họ hàng rùa ngày càng sáng tỏ.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, lý thuyết là như vậy, nhưng đến khi bắt tay vào thực hiện thực tế lại là chuyện khác. Ví dụ, mỗi cá thể đã quen sống trong một môi trường nhất định như nguồn nước, nguồn thức ăn, sự tương tác của các cá thể xung quanh... Chúng sẽ khác xa so với điều kiện sống của Hồ Gươm.
PGS.TS Phạm Bình Quyền khuyến cáo: Nếu không có sự nghiên cứu, điều tra về tập tính của mỗi cá thể rùa chuyển từ nơi khác đến Hồ Gươm thì có thể sẽ có xung đột, thậm chí là tiêu diệt lẫn nhau giữa các cá thể rùa. Giải pháp PGS Quyền đưa ra: nên làm từng bước, trước tiên là tìm hiểu thật rõ điều kiện sinh sống, sau đó nhân nuôi thử tại một hồ nào đó...
"Kiểu như cho sống thử để làm quen dần dần, đến khi chúng thực sự thích ứng với nhau thì mới nhân nuôi rộng chính thức tại Hồ Gươm", PGS Quyền nói.
TS Sáng nói thêm, cụ Rùa ngày càng cảm thấy ngột ngạt vì nước Hồ Gươm đang ngày càng ô nhiễm. Vì thế, song song với nhân nuôi, việc cần làm ngay là làm sạch nước Hồ Gươm để tạo môi trường sống tốt nhất cho cụ Rùa.
Trung tâm cứu hộ Rùa thuộc Dự án Môi trường sinh thái Cúc Phương cũng đã nhân nuôi thành công các cá thể loài rùa được phát hiện ở Việt Nam sau những đợt thu gom các loài động vật hoang dã bị buôn bán trái phép qua biên giới. Đa số chúng đã bắt đầu thích nghi với môi trường sống tự nhiên và bán tự nhiên tại rừng Cúc Phương, đặc biệt là việc các cán bộ cứu hộ ở đây đã nuôi sinh sản thành công một số loài rùa. Đặc biệt, đã có nhiều rùa con được ấp nở thành công lớn.