Nền văn minh Maya sụp đổ do mất rừng?

Sự sụp đổ của nền văn minh Maya cổ đại lâu nay vẫn được coi là một ẩn số, bởi trong hàng trăm lý do mà giới học giả đưa ra để giải thích cho sự sụp đổ này vẫn chưa có lý do nào hoàn toàn thuyết phục.

Góp thêm một giả thiết về sự sụp đổ của nền văn minh này, nhóm nghiên cứu do nhà khí hậu học Ben Cook dẫn đầu đã thu thập thêm nhiều bằng chứng cho thấy, tình trạng chặt phá rừng của người Maya có thể là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy giảm lượng mưa và có thể gây nên các đợt hạn hán, đẩy nền văn minh Maya tới bước đường suy vong.

Mặc dù quan điểm cho rằng đế chế Maya đã tự hủy hoại môi trường sinh thái bằng việc chặt phá rừng vốn không mới, từng được đưa ra thảo luận, thậm chí còn được trình bày trong cuốn sách nổi tiếng mang tên Collapse (Sụp đổ) của tác giả Jared Diamond, nhưng dẫu sao, những phát hiện của Ben Cook cũng góp phần tăng thêm tính thuyết phục cho các lý lẽ trên.


Thành phố cảng Tulum (Mexico) vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích của nền văn minh Maya

Thời điểm trước khi Columbus đặt chân đến vùng đất của người Maya, đế chế tại Trung Mỹ này đã chặt phá rừng tràn lan để tạo sinh kế, nuôi sống lượng dân cư ngày một gia tăng. Và người Maya khi đó đã không nhận thức được rằng họ đang tự làm hại mình.

Để làm rõ nguyên nhân sự sụp đổ của nền văn minh Maya vào sau năm 900 sau công nguyên (SCN), Ben Cook đã tái dựng một cách chi tiết độ che phủ của rừng trên bán đảo Yucatan ở thời điểm trước và sau đó, và phát hiện ra rằng từ năm 800 đến 950 SCN chỉ có một tỷ lệ rừng rất nhỏ còn tồn tại trên bán đảo Yucatan.

Dựa trên phương pháp mô hình hóa, nhóm nghiên cứu của Ben Cook nhận thấy hoạt động chặt phá rừng mưa lấy đất làm nông nghiệp của người Maya đã làm tăng hệ số phản xạ của bề mặt đất, khiến lượng mưa giảm. Theo lý giải của ông: “đất nông nghiệp và đồng cỏ với khả năng phản xạ cao hơn thường hấp thụ ít năng lượng mặt trời hơn đất rừng mưa” và đương nhiên, khả năng phản xạ tăng sẽ dẫn tới những thay đổi về lượng mưa.

Vận hành các mô hình thời tiết với dữ liệu mới, nhóm nghiên cứu nhận thấy lượng mưa trung bình tại Yucatan đã giảm từ 10% đến 20%, gây ra những ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tại khu vực gần các trung tâm dân cư lớn của Maya. Trong suốt giai đoạn cuối cùng của đế chế Maya, từ năm 800 đến 950 SCN, tổng lượng mưa giảm tới 20%. Các mô hình thời tiết cũng cho kết quả trùng khớp với những ghi chép về lượng mưa trong cùng giai đoạn qua nghiên cứu các măng đá từ hang động.

Tuy nhiên, theo Ben Cook, có thể vẫn còn nhiều tác động khác dẫn dến sự sụp đổ của đế chế này. Không khẳng định rằng nạn phá rừng là thủ phạm gây nên hạn hán hoặc là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự suy tàn của nền văn minh Maya, song ông nhận định phá rừng có thể dẫn đến những kiểu thời tiết điển hình như hạn hán và góp phần gây nên tình trạng khô hạn. Và một trận hạn hán lớn có thể phá hỏng một nền nông nghiệp đang nuôi sống số dân ngày càng gia tăng, làm cạn kiệt nguồn nước và gây xáo trộn xã hội.

Phát hiện của nhóm nghiên cứu đã củng cố thêm quan điểm từ một nghiên cứu trước đó của Robert Oglesby, cho rằng chặt phá rừng đóng một vai trò quan trọng đối với sự suy tàn của đế chế Maya.

Và nếu câu chuyện của người Maya đúng như những gì các nhà nghiên cứu biện giải thì đó chắc chắn sẽ là một bài học lớn cho tất cả chúng ta, khi mà ở nhiều nơi trên thế giới con người dường như vẫn đang tiếp tục đi theo “vết xe đổ” của người Maya khi xưa, tự hủy hoại rừng, hủy hoại cuộc sống của chính bản thân mình.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất