Nga, châu Âu sẽ cùng thám hiểm sao Hỏa

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) sẽ ký một thỏa thuận về việc thám hiểm sao Hỏa trong vài năm tới.

Theo thỏa thuận giữa ESA và Roscosmos, sẽ được ký vào cuối năm nay, hai bên sẽ phóng một vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo sao Hỏa vào năm 2016 để tìm kiếm khí metan và các loại khí khác. Sau đó một robot thăm dò tự hành sẽ bay lên sao Hỏa vào năm 2018. Vệ tinh nhân tạo sẽ tiếp nhận tín hiệu từ trái đất rồi truyền xuống robot trên bề mặt hành tinh đỏ, BBC đưa tin.


ESA và Roscosmos sẽ ký thỏa thuận hợp tác trong
hoạt động thám hiểm sao Hỏa vào cuối năm 2012.

Metan là một loại khí cần thiết đối với hoạt động của vi sinh vật. Vì thế, nếu bầu khí quyển sao Hỏa chứa metan, rất có thể vi sinh vật tồn tại trên đó.

ESA và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) từng có ý định hợp tác với nhau để thám hiểm sao Hỏa, nhưng sau đó NASA rút khỏi kế hoạch. Vì thế Roscosmos quyết định hợp tác với ESA để lấp chỗ trống mà NASA để lại.

"Chúng tôi cũng có nhiều cơ hội khác để hợp tác, chẳng hạn như thám hiểm sao Mộc", Frederic Nordlund, giám đốc quan hệ quốc tế của ESA, phát biểu.

Giới chức ESA muốn Nga cung cấp tên lửa đẩy Proton để phóng vệ tinh và robot tự hành lên sao Hỏa. Nga cũng sẽ cung cấp linh kiện và máy móc cho hai thiết bị. Các nhà khoa học của Roscosmos và ESA sẽ cùng nghiên cứu dữ liệu mà hai thiết bị gửi về. Roscosmos sẽ cung cấp hệ thống đáp xuống cho robot tự hành.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất