Nga di dời khẩn cấp trạm nghiên cứu Bắc Cực
Chính phủ Nga vừa tuyên bố nước này sẽ chi 2 triệu USD để trang trải chi phí di dời khẩn cấp một trạm nghiên cứu khí hậu tại Bắc Cực, theo hãng tin RIA Novosti.
Những bước chuẩn bị cho cuộc di dời trạm nghiên cứu Bắc Cực 40 (SP-40) bắt đầu vào tháng 5 khi tảng băng làm nền xây trạm này đang bắt đầu vỡ ra và tan chảy.
SP-40, vốn được đưa vào hoạt động ngày 1/10/2012, ban đầu dự kiến sẽ mở cửa cho đến tháng 9 năm nay, nhưng tảng băng nơi nó tọa lạc bị chẻ ra và chính quyền Nga đã quyết định tháo dỡ trạm để phòng ngừa tình huống khẩn cấp.
Trạm nghiên cứu Bắc Cực SP-40 - (Ảnh: Barents Observer)
Một tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân đã được phái đi từ cảng Murmansk vào ngày 1/6 để thực hiện sứ mệnh cứu hộ, và tàu đã đến trạm vào ngày 10/6.
Một số người trong đội ngũ nhân viên của trạm sẽ được đưa đến mũi Baranov trên đảo Bolshevik trong vùng Bắc Cực của Nga để tiếp tục công tác nghiên cứu.
Nga đã từng phải sơ tán các nhà khoa học từ các nghiên cứu ở Bắc Cực trước đây. Vào cuối tháng 4/2012, trạm nghiên cứu cứu SP-39 đã được di dời sang một tảng băng khác do tảng băng ban đầu bị vỡ, và vào tháng 5/2010, một tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân đã di dời trạm nổi SP-37. Vào năm 2004, trạm SP-32 của Nga đã bị chìm do băng tan.
Những năm gần đây, băng đã tan với tốc độ chóng mặt tại Bắc Cực mà đỉnh điểm là vào năm 2012, hãng tin AFP dẫn báo cáo của Cơ quan Khí hậu Liên Hiệp Quốc cho biết.
Với trữ lượng khí đốt dồi dào, Bắc Cực luôn là tâm điểm chú ý của các nước, như Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi năm 2004 từng khẳng định là “có tầm quan trọng cả về kinh tế lẫn quân sự”.