Nga, Mỹ vẫn hợp tác nghiên cứu không gian

Quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học không gian giữa Mỹ và Nga vẫn tiếp tục được duy trì bình thường, bất chấp tình hình tại Ukraine.

AFP cho hay, tuyên bố được Charles Bolden, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Hàng không Mỹ (NASA), đưa ra hôm 4/3.

Ông Bolden nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh căng thẳng tại Ukraine hiện nay, quan hệ đối tác của hai nước trong lĩnh vực nghiên cứu không gian vẫn hoàn toàn bình thường. Các chương trình nghiên cứu sẽ tiếp tục được thực hiện và các nhóm phi hành gia vẫn đang làm việc như thường lệ.


Tàu vũ trụ TMA của Nga. (Ảnh: Wikipedia)

Kế hoạch đưa Mike Hopkins, một phi hành gia người Mỹ trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), quay trở về Trái Đất vào cuối tháng này bằng phương tiện của Nga sẽ không có gì thay đổi.

Quan hệ hợp tác nghiên cứu không gian của Nga và Mỹ bắt đầu từ nhiều năm trước và chưa từng bị ảnh hưởng bởi tác động của tình hình chính trị, ngay cả khi lính Nga tiến vào Gruzia năm 2008. ISS đã hoạt động 13 năm qua và không bị gián đoạn bởi các vấn đề khủng hoảng quốc tế.

Nga là quốc gia đóng vai trò chủ chốt tại ISS với sự tham gia cả về nhân lực và công nghệ. Sau khi các con tàu vũ trụ của Mỹ ngưng hoạt động từ năm 2011, tàu vũ trụ Soyuz của Nga là phương tiện di chuyển từ Trái Đất lên ISS và ngược lại của các nhà du hành vũ trụ nước này.

Theo thỏa thuận giữa hai nước, để đưa mỗi nhà nghiên cứu lên ISS và quay trở lại Trái Đất, Mỹ phải trả cho Nga khoảng 70 triệu USD. Thỏa thuận được dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều năm cho đến khi các công ty tư nhân của Mỹ hoàn thành một loại phương tiện mới để đưa các nhà nghiên cứu lên ISS.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất