Nga tính đưa ngôi sao nhân tạo sáng nhất lên bầu trời
Sao Thiên Lang sẽ sớm mất danh hiệu ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm khi Nga phóng vệ tinh "Người dẫn đường" lên không gian vào giữa năm 2017.
Theo Science Alert, vệ tinh mang tên Mayak (Người dẫn đường) được thiết kế để quay quanh quỹ đạo đối diện Mặt Trời và phản chiếu ánh sáng thông qua cánh buồm khổng lồ, khiến nó trở nên sáng hơn mọi ngôi sao khác trên bầu trời đêm, thậm chí cả Mặt Trăng.
Vệ tinh này không thực hiện nhiệm vụ quan sát hay nghiên cứu khoa học. Mục tiêu của dự án đơn giản là truyền cảm hứng cho con người bằng cách tạo ra một ngôi sao nhân tạo có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Thiết kế của vệ tinh Mayak. (Ảnh: Boomstarter).
"Chúng tôi sẽ phóng một vệ tinh vào quỹ đạo để biến nó thành ngôi sao sáng nhất trên bầu trời, có thể quan sát từ mọi điểm trên Trái Đất", Alexander Shaenko, người đứng đầu dự án, chia sẻ với Sputnik News.
Vệ tinh Mayak chỉ lớn bằng một ổ bánh mì, nhưng sẽ trải rộng cánh buồm hình tam giác diện tích 16m2 khi tiến vào quỹ đạo cách Trái Đất 600km và biến cánh buồm thành kim tự tháp phản chiếu ánh sáng. Phần cánh buồm được làm từ một loại vật liệu polymer mỏng. Các kỹ sư đang chế tạo hệ thống phanh cho vệ tinh nhằm giúp nó hạ xuống quỹ đạo thấp hơn mà không cần sử dụng động cơ và tránh va chạm với rác vũ trụ.
Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga, Roscosmos, đã thông qua kế hoạch phóng Mayak lên vũ trụ bằng tên lửa Soyuz-2 vào đầu tháng 7 năm nay.
"Thông qua hỗ trợ những dự án như Mayak, chúng tôi muốn nâng cao động lực cho sinh viên, khuyến khích họ làm việc cho ngành tên lửa vũ trụ của Nga trong tương lai", một phát ngôn viên của Roscosmos cho biết.
Nhóm kỹ sư của dự án cần hoàn tất mọi thử nghiệm trước ngày phóng và xây dựng mô hình vệ tinh để trưng bày tại Bảo tàng Du hành vũ trụ Moscow. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ lo ngại ngôi sao nhân tạo quá sáng này có thể cản trở các nhà thiên văn theo dõi những vì sao thật.