Ngân hàng tinh trùng tương lai trên Mặt Trăng

Chuột con được sinh ra từ tinh trùng đông lạnh khô trên không gian mở ra tương lai xây dựng ngân hàng tinh trùng trên Mặt Trăng cho con người.

Nhà nghiên cứu Sayaka Wakayama và đồng nghiệp tại Đại học Yamanashi đã thực hiện thành công thí nghiệm thụ tinh cho chuột bằng tinh trùng đông lạnh trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), BBC ngày 22/5 đưa tin.

Trong thí nghiệm này, các mẫu tinh trùng chuột được bảo quản đông lạnh khô trên trạm ISS suốt 9 tháng trước khi được gửi về Trái Đất. Chúng được rã đông ở nhiệt động phòng, sau đó thụ tinh cho chuột cái.

Dù ADN của tinh trùng bị hư hại nhẹ, chúng vẫn có thể thụ tinh cho trứng để tạo ra "chuột con không gian" khỏe mạnh. Tỷ lệ thụ tinh và sinh con của chuột trong nhóm dùng "tinh trùng không gian" tương tự như nhóm chuột đối chứng trên mặt đất. Chuột con có những khác biệt nhỏ trong mã gene nhưng sinh trưởng tốt. Một số được cho giao phối để sinh ra thế hệ tiếp theo.


Chuột con sinh ra từ tinh trùng được đông lạnh khô trên trạm ISS. (Ảnh: PNAS)

Lượng bức xạ trên trạm ISS mạnh gấp 100 lần trên Trái Đất, đủ sức phá vỡ mã ADN trong các tế bào sống, bao gồm tinh trùng. Wakayama phỏng đoán các hư hại trên ADN của tinh trùng chuột đã được trứng sửa chữa.

"Nếu các mẫu tinh trùng được bảo quản lâu hơn trong không gian, nhiều khả năng hư hại trên ADN sẽ tăng lên và vượt qua giới hạn noãn bào trứng có thể sửa chữa", Wakayama nói. Trong trường hợp đó, phương pháp chống bức xạ vũ trụ mới, như lá chắn băng, sẽ được phát triển.

Nếu làm được điều này, các nhà nghiên cứu có thể hướng đến mục tiêu xây dựng ngân hàng tinh trùng dưới bề mặt Mặt Trăng, nơi có điều kiện lý tưởng nhờ nhiệt độ rất thấp, lớp đá nền dày che chắn bức xạ vũ trụ, hoàn toàn tách biệt với các thảm họa trên Trái Đất.

Giáo sư Joseph Tash, nhà sinh lý học tại Đại học Kansas, Mỹ cho rằng ISS là môi trường an toàn được che chắn trong Vành đai bức xạ Van Allen, nơi gió mặt trời bị từ trường Trái Đất ngăn chặn phần lớn. Vượt ra vành đai này, nguy cơ từ bức xạ sẽ cao hơn. "Buồng trứng và tinh hoàn là những cơ quan nhạy cảm nhất với việc phơi nhiễm bức xạ", ông nói.

Tash cho rằng khả năng duy trì nòi giống của động vật có vú trên không gian ngoài Vành đai bức xạ Van Allen phụ thuộc vào việc cơ sở vật chất có khả năng bảo vệ tinh trùng, trứng, phôi và người mẹ mang thai hay không.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất