Ngàn lẻ chuyện sinh đôi
Thời vua Hùng, chúng ta đã có truyền thuyết về hai anh em sinh đôi Tân và Lang trong sự tích Trầu Cau. Tại sao sinh đôi? Sinh đôi giả và sinh đôi thật là gì? Những điều trùng hợp khó hiểu của người sinh đôi. Tỷ lệ sinh đôi ngày càng tăng, nguyên nhân nằm ở đâu?
Trong thời điểm thăng hoa của tình yêu giữa hai người nam và nữ, những điều kỳ diệu xảy ra. Một dòng tinh trùng ở người nam ào ạt khởi phát, đồng thời một trứng ở người nữ rụng xuống. Trong đội quân tinh trùng hùng hậu hàng triệu chiến binh ấy có một cuộc thi đấu quyết liệt, chiến binh nào vượt qua các đối thủ đạt đến đích là trứng, thì có khả năng kết hợp với trứng thành một hợp tử. Hợp tử này sẽ phát triển thành phôi, bám vào màng dạ con, được nuôi dưỡng qua 38 tuần và một ngày đẹp trời nào đó, một sinh linh bỡ ngỡ chào đời. Đứa trẻ sẽ là trai, nếu tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y kết hợp với trứng luôn luôn là nhiễm sắc thể X và sẽ là gái nếu tinh trùng đóng góp nhiễm sắc thể X.
Thông thường là vậy nhưng có không ít trường hợp ngoại lệ: sinh đôi.
Sinh đôi thật và sinh đôi giả
Đôi khi, người nữ không chỉ rụng một trứng, mà hào phóng rụng những hai. Khi đó xảy ra cơ hội ngàn vàng: hai chiến binh tinh trùng cùng “vượt chướng ngại vật” đến đích. Hai hợp tử được tạo thành. Hai phôi cùng phát triển. Hai đứa trẻ đến ngày đến tháng cùng ra đời để góp mặt với thế gian. Gọi là cùng lúc, nhưng cách nhau một thời gian từ vài chục phút đến vài giờ, lại có trường hợp cách nhau đến 36 ngày, như ghi trong y học, khiến cặp song sinh này có tuổi khác nhau (vì chào đời vào năm cùng tháng tận). Kiểu sinh đôi này – sinh đôi song hợp tử, thuật ngữ khoa học là dizygotes - không được công nhận là “sinh đôi chính thống”, còn gọi là “sinh đôi giả”, hoặc nôm na là “sinh đôi khác trứng”. Cặp “sinh đôi khác trứng” tuy đẻ cùng lúc nhưng chỉ là anh chị em ruột bình thường. Họ không có cùng gen di truyền, không nhất thiết cùng giới, có thể một nam một nữ, hình dạng giống nhau có mức độ.
“Sinh đôi chính thống” lại khác. Sau khi đã làm quy luật của sự thụ tinh: một tinh trùng kết hợp với một trứng thành một hợp tử, thì lại xảy ra một quá trình hy hữu: hợp tử tự phân đôi thành hai phôi. Cả hai đều có bộ nhiễm sắc thể hoàn toàn giống nhau, cùng gen di truyền, cùng nhóm máu, cùng giới tính. Kiểu sinh đôi này – sinh đôi đơn hợp tử, thuật ngữ khoa học là monoygotes - được gọi là “sinh đôi thật” hay “sinh đôi cùng trứng”.
“Sinh đôi cùng trứng” nhiều khi gây khó khăn cho các nhà hình sự. Phương pháp nhận dạng được coi là chính xác nhất hiện nay dựa trên tấm chứng minh thư sinh học, bộ ADN, với họ, đành bó tay vì chưa tìm ra giải pháp. Trong một vụ án, thấy vết máu trên hiện trường, nhà sinh học bối rối đưa ra hai hung thủ để các nhà hình sự… chọn bằng nghiệp vụ của mình.
Sự kỳ lạ của sinh đôi
Sinh đôi, nhất là sinh đôi cùng trứng đôi khi là sự thách đố đối với khoa học và là mảnh đất màu mỡ để các nhà tử vi mạnh mồm chứng minh những luận điểm của mình. Những người sinh đôi “tuy hai mà một” này trong nhiều trường hợp, mọi "thông số tử vi” như ngày tháng năm sinh, địa điểm ra đời, “cung phúc đức” của tổ tiên để lại hoàn toàn trùng khớp nên giống nhau đến lạ lùng. Hình thức giống nhau, cân nặng như nhau, quần áo, giày dép cùng số, tính nết như nhau, tình trạng sức khoẻ, sở thích, tài năng, sở trường sở đoản như nhau thì khỏi nói, vì ít nhiều bản đồ gen trùng khớp của họ có thể là cơ sở để giải thích.
Song đến như hai bản lý lịch về “quá trình công tác” cũng có thể ráp nối lại thành một thì là điều khó hiểu mà hai anh em ông Kazinski vài năm trước, một người là Tổng thống, một người là Thủ tướng Ba Lan là một ví dụ. Không hiểu các thống kê chính xác đến mức nào, chứ tài liệu kể lại, nhiều cặp sinh đôi được nuôi tách nhau và không hề liên lạc với nhau, nhưng lớn lên, họ làm cùng nghề, lấy vợ lấy chồng cùng ngày cùng tháng, lại cùng tên, đẻ con ra cùng năm, thậm chí con chó, con mèo của họ nuôi trong nhà cũng cùng tên nốt. Đặc biệt nhất là 2 phụ nữ sinh đôi, tên La Velda và La Vona ở Ohio (Mỹ) khi lớn lên, họ lấy hai anh em sinh đôi, làm việc cùng sở và cùng đẻ con sinh đôi.
Ở rất nhiều nước, người ta tổ chức ngày hội những người sinh đôi (ở Mỹ có cả một thành phố dành cho họ: thành phố mang tên Twinsburg – thành phố song sinh). Tại những ngày hội này, người ta ghi lại những sự trùng hợp đến kỳ quái của các cặp sinh đôi về các chi tiết trong cuộc đời, rồi tiến hành bình chọn, trao giải cho những cặp giống nhau nhiều nhất, cặp cao nhất, năng nhất, nhẹ nhất, thấp nhất, tài năng nhất. Ngoài ra, còn có những cặp sinh đôi dính liền, sống với nhau trọn đời mà không đồng ý giải phẫu tách rời, để cùng sẻ chia số phận.
Sinh đôi có di truyền?
Chắc hẳn là có. Những người sinh đôi truy tìm nguồn gốc thì trong số họ hàng gần hay xa, thế nào cũng tìm được một trường hợp sinh đôi. Nhiều địa phương có tỷ lệ sinh đôi rất cao, vì trong vùng, từ xa xưa có nhiều quan hệ huyết thống. Sinh đôi liệu có phải cũng là “một điều gì đó” được mã hoá trong gen?
Ngay cả một người cũng có thể đẻ sinh đôi nhiều lần, củng cố cho giả thuyết có một loại gen mang tên “gen đẻ sinh đôi”. Bà Barbara Zulu, ở Nam Phi sinh 3 cặp sinh đôi nữ - nữ và 3 cặp sinh đôi nam - nữ trong 7 năm liền (1969-1973). Năm 1960, bà Anna Steynvait ở Johanesburg sinh đôi 2 lần liền trong vòng 10 tháng. Bà Mary Jonas ở Chester (Anh) từng sinh 15 cặp sinh đôi nam - nữ. Nhưng kỳ lạ nhất là một trường hợp vẫn được coi là hy hữu nhất của loài người, ghi chép cẩn thận trong y văn: bà vợ của một nông dân Nga yên là Feodor Vasilyev (1707-1782), sinh được 69 người con (nhiều nhất thế giới) chính là nhờ đa thai. Trong 27 lần sinh, thì sinh đôi 16 lần, sinh ba 7 lần, sinh tư 4 lần, trong khoảng thời gian 1725-1765, và chỉ 2 người con chết yểu.
Sinh đôi có xu hướng ngày càng tăng
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận tỷ lệ sinh đôi ngày càng nhiều. Hiện tượng này mang tính xã hội. Ở nhiều nước, dân số giảm một cách đáng lo ngại. Nhà nước có chính sách khuyến khích sinh con để đạt được mức cân bằng, trong khi đó, các cặp vợ chồng không thích sinh nở nhiều lên. Đã nuôi thì nuôi một thể, vả lại nhà nước luôn có chế độ chăm sóc đặc biệt với những trường hợp đẻ sinh đôi. Có cả những quy trình chăm sóc, theo dõi riêng cho người mang thai sinh đôi rất chi tiết, vì dù sao quá trình mang thai của người sinh đôi cũng dễ có tai biến hơn mang thai bình thường. Việc sinh nở được tiến hành hoặc tự nhiên hoặc với sự can thiệp của phẫu thuật. Phương pháp thứ hai này được ưa chuộng hơn vì nó giúp cho việc sinh nở được nhanh chóng, dễ dàng và sản phụ chỉ cần an dưỡng 10 ngày sau sinh là cơ thể hồi phục để trở lại cuộc sống bình thường. Vì vậy, nhiều cặp vợ chồng đã chọn cách sinh đôi bằng phương pháp kích thích buồng trứng mà y học nhiều nước cho phép.
Mặt khác, để giải quyết những trường hợp vô sinh, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã trở nên hết sức phổ biến và nằm trong tầm tay của nhiều nước đang phát triển. Để “chắc ăn” người ta thường cho thụ tinh đa phôi, hỏng cái này được cái kia và nhiều khi “đậu” cả hai, thậm chí cả ba phôi cấy ghép trong tử cung người mẹ (ở nhiều nước có luật cấm ghép 3 phôi).
Một nhân tố tuy nhỏ nhưng cũng góp phần tạo ra các trường hợp sinh đôi. Đó là những người phụ nữ thời hiện đại, mải lo cho sự nghiệp riêng có khuynh hướng lấy chồng ngày càng muộn. Mang thai ở lứa tuổi 36-38 là đỉnh cao diễn ra các ca sinh đôi.
Với những lý do trên, tỷ lệ trẻ sinh đôi cứ tăng dần đâu còn là chuyện lạ.