Ngất ngây chiêm ngưỡng những bức ảnh khoa học đẹp nhất năm 2019

Cuộc thi chụp ảnh khoa học thường niên đã lựa chọn ra những tác phẩm đẹp nhất, giúp công chúng mở mang tầm nhìn qua những bức ảnh đẹp đến ngỡ ngàng.

Với mục đích tìm kiếm những nhiếp ảnh gia có thể khai thác được môn khoa học khô khan qua góc nhìn nghệ thuật, cuộc thi Nhiếp ảnh Khoa học được tổ chức hằng năm bởi Hội Nhiếp ảnh Hoàng gia Anh Quốc đã chọn lựa ra những tác phẩm xuất sắc nhất từ hàng ngàn bài dự thi gửi về.

Hai hạng mục trao giải chính gồm Nhiếp ảnh gia Khoa học của năm (dành cho người trên 18 tuổi) và Nhiếp ảnh gia Khoa học trẻ của năm (dành cho người dưới 17 tuổi). Những bức ảnh chiến thắng không chỉ nhận được tiền thưởng mà còn được trưng bày triển lãm tại các hội thảo khoa học khắp nước Anh.

Dưới đây là một số tác phẩm nổi bật, là đối thủ đáng gờm tại cuộc thi năm nay.


“Bản đồ Oxy”
bởi Yasmin Crawford. Đây là dự án lớn cuối cùng của nữ thạc sĩ nhiếp ảnh Đại học Falmouth trước khi cô tập trung cho công việc chính của mình là nghiên cứu về viêm não cơ xương khớp. Thông qua nhiếp ảnh và sự kết hợp giữa các ngành khoa học, Crawford cho biết nghiên cứu của mình và của các đồng nghiệp khác được tiến hành dễ dàng hơn rất nhiều vì không chỉ có thông tin chính xác mà còn có hình ảnh rất trực quan.


“Cấu trúc bong bóng xà phòng”
bởi Kym Cox. Chúng ta biết rằng bong bóng tối ưu hóa không gian rất tốt, nó chỉ chiếm một diện tích bề mặt rất nhỏ trong một thể tích không khí nhất định. Hiện tượng này khiến chúng trở thành một thứ rất hữu ích để phục vụ cho nghiên cứu mà đặc biệt là ngành khoa học giúp ghép nối các thứ lại với nhau ở mức độ phân tử. Lớp vỏ của bong bóng mỏng ở bên trên, dày ở bên dưới, cản trở sóng ánh sáng đi qua và tạo ra những dải màu đẹp mắt. Những đốm đen trong ảnh cho thấy nơi đó lớp vỏ đã quá mỏng và chiếc bong bóng xà phòng này sắp vỡ toang.


“Sự tĩnh lặng vĩnh hằng”
bởi Yevhen Samuchenko là tác phẩm nhiếp ảnh được thực hiện ở dãy núi Himalaya, vùng thuộc lãnh thổ Nepal. Giữa bức ảnh là Hồ nước Gosaikunda nằm ở độ cao 4.400 mét. Dải Ngân Hà – thiên hà chứa Mặt Trời và hành tinh của chúng ta – đang xuất hiện như một dải sáng mờ vắt ngang bầu trời, bằng mắt thường ta có thể thấy được nó nhưng không quá rõ như khi chụp qua máy ảnh.


“Vầng quang an toàn”
bởi Richard Germain. Trong hình là một chốt an toàn được gắn nối với máy phát điện xoay chiều công suất lớn khiến ion hóa vùng không khí xung quanh cái chốt này. Khi các electron rơi vào một nguyên tử, năng lượng của chúng sẽ phát ra dưới dạng photon và tạo ra quầng ánh sáng bao xung quanh như trong hình chúng ta đang nhìn thấy. Chiếc chốt bị tối đi do máy ảnh không thu được ánh sáng từ nó mà chỉ nhận được ánh sáng từ các nguyên tử phát ra và đó được gọi là sự ion hóa của vùng khí xung quanh.


“Tinh vân Bắc Mỹ”
bởi Dave Watson. Đây là một tinh vân phát xạ lớn nằm trong chòm sao Cygnus. Với tên định danh NGC 7000, tinh vân này có hình dạng trông giống lục địa Bắc Mỹ ở Trái Đất mà đặc biệt là dáng hình của Vịnh Mexico rất giống trong thực tế.


“Bọ cánh cứng”
bởi Viktor Sykora. Bức ảnh này đã được chụp qua kính hiển vi quang học với độ phóng đại 5 lần.


“Kính thiên văn Lovell”
bởi Marge Bradshaw. Chia sẻ về bức ảnh này, nữ nhiếp ảnh gia cho biết “Tôi đã say mê chiếc kính thiên văn Lovell tại Đài quan sát Jodrell Bank từ thời còn là một cô nữ sinh. Mãi đến bây giờ tôi mới có cơ hội được tiếp cận ở khoảng cách gần với nó để chụp lại những chi tiết và sự phai mòm theo thời gian trên kính.”


“Những chú sứa lộn ngược”
bởi Mary Anne Chilton. Thay vì bơi lội trong dòng nước, những con sứa trong ảnh lại gập mình rồi lặn xuống bên dưới. Sự thay đổi màu sắc của sứa còn phụ thuộc vào mật độ tảo có trong nước vào thời điểm và khu vực đó.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất