Ngày 3/11/1957 - Laika, chú chó đầu tiên bay lên vũ trụ

Câu chuyện về một trong những "phi hành gia" đặc biệt nhất của nhân loại.

Câu chuyện về chú chó Laika - chú chó đầu tiên bay lên vũ trụ

Sau thành công của Sputnik 1, lãnh đạo Liên Xô thời bấy giờ là Nikita Sergeyevich Khrushchyov đã có ý định cần phải phóng thêm tàu Sputnik khác vào ngày 7/11/1957 để kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười. Một vệ tinh phức tạp được xây dựng, nhưng nó sẽ chưa được sẵn sàng cho đến tháng 12/1957, vệ tinh này sau trở thành Sputnik 3.


Tàu Sputnik 1.

Kỹ sư tên lửa của Liên Xô đã có dự định chuẩn bị một chuyến bay quỹ đạo cho chó trước khi cho người này từ lâu; kể từ năm 1951, họ đã nuôi dưỡng và huấn luyện 12 con chó phục vụ cho các chuyến bay quỹ đạo đường đạn ngắn hạn vào không gian, quá trình huấn luyện này dần gần đạt được đến mục tiêu cho một chuyến bay vào quỹ đạo thực sự cho chó vào khoảng năm 1958. Với mục đích đáp ứng yêu cầu của Nikita Sergeyevich Khrushchyov, chuyến bay đưa những con chó đã huấn luyện vào quỹ đạo được chuẩn bị gấp rút để phóng vào tháng 11.

Theo các nguồn tin của Nga, quyết định chính thức về việc khởi động và phóng tàu Sputnik 2 được thiết lập vào ngày 10/10 hoặc 12/10, làm cho nhóm thiết kế của Sergei Korolev, người sáng lập chương trình không gian Xô viết, chỉ còn 4 tuần để thiết kế và xây dựng con tàu, một nhiệm vụ khó khăn và cấp bách. Vì vậy mà Sputnik 2 được xây dựng rất vội vàng, đa số các yếu tố của con tàu vũ trụ này được xây dựng dựa trên bản phác thảo thô. Bên cạnh nhiệm vụ chính đưa con người vào vũ trụ, Sputnik 2 cũng mang theo những trang thiết bị để đo bức xạ Mặt Trời và bức xạ vũ trụ.

Tàu Sputnik 2 được trang bị một hệ thống hỗ trợ sự sống bao gồm một máy phát ôxy và các thiết bị để tránh ngộ độc ôxy và hấp thụ khí CO2. Một cái quạt được thiết kế để hoạt động bất cứ khi nào nhiệt độ trong cabin vượt quá 15 độ C, chiếc quạt này được thêm vào trong tàu để giữ nhiệt độ mát cho chó. Tàu cũng trang bị đủ thực phẩm (ở dạng sệt) để cung cấp cho một chuyến bay bảy ngày trong không gian, chó cũng được trang bị một túi chuyên dụng để đựng các chất rác, chất thải.

Trước đó, nhằm mục đích cho việc đưa người lên vũ trụ, các nhà khoa học Liên Xô đã nghiên cứu và sau nhiều lần cân nhắc, chó được xem là đối tượng thử nghiệm thích hợp nhất vì chúng có khả năng tồn tại tương tự như con người. Và ngay lập tức một đội "phi hành gia" chó đã được bí mật thành lập. Theo thiết kế, Sputnik-2 có tổng trọng lượng 508,3kg, khoang lái của tàu được gắn các cảm biến dùng để đo áp suất và nhiệt độ xung quanh, cũng như huyết áp, nhịp tim, nhịp thở của phi hành gia.

Việc Laika trở thành phi hành gia cũng thật ngẫu nhiên. Sau khi bị đội thu gom động vật hoang bắt giữ, không biết có phải do thấy Laika có những tố chất cần thiết của một "phi hành gia" hay không mà các nhà khoa học lựa chọn nó. Và thế là Laika, 3 tuổi, nặng 16 kg bỗng nhiên trở thành 1 trong 3 "phi hành gia" bí mật của Liên Xô: Laika, Albina và Mushka.

Laika tên thật là Kudryavka (Little Curly). Nhưng do cái tên này hơi khó đọc, nên các nhà khoa học Liên Xô gọi là Laika (Barker), bởi ở Liên Xô, giống chó Eskimo thường được gọi chung là Laika. Để trở thành phi hành gia thực thụ, Laika cùng với các "đồng nghiệp" khác đã phải trải qua những cuộc thử nghiệm và tập luyện gắt gao. Nhằm quen dần với việc sống trong khoang lái chật hẹp của tàu Sputnik-2, các con chó này đã bị nhốt liên tục trong những chiếc lồng chật hẹp trong khoảng từ 15 đến 20 ngày. Chúng còn phải làm quen với việc mang quần áo đặc biệt cũng như tập dùng những loại thức ăn đóng hộp ở dạng lỏng. Để quen với những rung động mạnh và tiếng gầm rú của động cơ phản lực, chúng phải thường xuyên luyện tập với máy ly tâm mô phỏng quá trình tăng tốc của tên lửa đẩy, cũng như thiết bị mô phỏng tình trạng không trọng lực. Sau mỗi lần luyện tập, nhịp tim của chúng đều tăng gấp đôi.


Ảnh chụp Laika trước buổi phóng năm 1957.

Kết thúc khóa huấn luyện, chó Albina được chuyển sang bộ phận thử nghiệm sức chịu đựng của cơ thể sống trong điều kiện gia tốc cực lớn khi tên lửa đẩy khởi hành; chó Mushka được chuyển sang làm ở [bộ phận thử nghiệm các thiết bị cứu hộ và khoang đổ bộ của tàu vũ trụ. Riêng Laika được sử dụng để nghiên cứu sức chịu đựng của cơ thể sống trong điều kiện không trọng lực. Và chính nhiệm vụ này đã giúp Laika trở thành sinh vật sống đầu tiên bay vào vũ trụ. Ngay trước thời điểm phóng tàu, Laika được tắm rửa sạch sẽ bằng dung dịch pha cồn, lông được chải chuốt cẩn thận, và thuốc iốt được bôi vào những vị trí gắn các thiết bị cảm biến theo dõi chức năng cơ thể và được đưa vào khoang lái tàu Sputnik-2. Tất cả đã sẵn sàng.

Ngày 3/11/1957, tại sân bay vũ trụ Baikonur, Sputnik 2 được phóng lên quỹ đạo Trái Đất, mang theo Laika. Theo các tín hiệu thu được từ các thiết bị cảm biến gắn trên thân thì trong quá trình phóng tàu, nhịp tim của Laika tăng cao gấp 3 lần bình thường. Sau khi tàu đạt đến trạng thái không trọng lực thì nhịp tim của Laika lại bắt đầu giảm mạnh. Ngay ngày hôm đó, Đài Phát thanh Moscow cho phát đi thông tin rằng những tín hiệu từ Sputnik 2 hiển thị hoạt động của các thiết bị khoa học vẫn diễn ra bình thường và Laika vẫn sống. 6 ngày sau đó, Trái Đất hoàn toàn mất liên lạc với tàu Sputnik-2. Các thông tin do Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Liên Xô cung cấp vào thời điểm đó cho thấy Laika đã sống tới ngày thứ 4 của chuyến du hành.

Không lâu sau khi Sputnik 2 được phóng đi, các nhà khoa học Liên Xô đã phải thừa nhận rằng do các thiết bị đổ bộ chưa kịp hoàn thiện nên tàu Sputnik 2 đã được xác định là sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm cảm tử, một đi không trở lại. Hơn nữa, lượng thức ăn và ôxy chỉ đủ cho Laika dùng 10 ngày, trong khi sứ mệnh của Sputnik-2 sẽ kéo dài tới tháng 4/1958. Điều đó có nghĩa là số phận của Laika đã được định đoạt ngay từ đầu, nó sẽ chết và bị thiêu cháy cùng với con tàu khi quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất. Sau 163 ngày bay liên tục 2.570 vòng quanh quỹ đạo Trái Đất ở điểm gần nhất là 225km và xa nhất là 1.671 km với vận tốc 28.968km/h, ngày 14/4/1958, Sputnik 2 mang theo xác Laika đã rực cháy trên đường trở về Trái Đất, kết thúc xuất sắc sứ mạng tiên phong của mình.


Phiên bản mô phỏng lại khoang chứa Laika trên Sputnik 2 tại một bảo tàng.

Phải tới cuối tháng 10/2002, tức đúng 45 năm sau ngày Laika được phóng vào vũ trụ, tại Hội nghị Không gian vũ trụ Thế giới được tổ chức tại Mỹ, sự thật về cái chết của Laika mới được tiết lộ. Báo cáo của Tiến sĩ Dimitri Malashenkov thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề sinh học ở Moskva đã giúp chấm dứt những suy đoán kéo dài hàng thập kỷ về cái chết của Laika. Theo đó, những cảm biến gắn trên người Laika ghi nhận rằng ngay sau khi khoang lái đạt vận tốc gần 28.968 km/giờ, nhịp tim của Laika đã tăng gấp 3 lần bình thường do nóng, sợ hãi và căng thẳng. Về nguyên nhân gây ra cái chết của Laika, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề sinh học đều nhất trí rằng Laika đã chết do hoảng sợ quá độ khi Sputnik 2 ở vào tình trạng không trọng lực, và trục trặc của hệ thống điều hòa đã khiến nhiệt độ khoang lái tăng cao quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể sống.

Mặc dù không có cơ hội sống sót trở về, nhưng sự hy sinh của Laika không hề uổng phí bởi nó đã giúp chứng tỏ một điều: sinh vật sống có thể tồn tại trong tình trạng không trọng lực ngoài không gian. Chuyến bay của Laika đã mở đường cho việc chuẩn bị phóng tàu có người lái không lâu sau đó, cũng như đem lại cho các nhà khoa học những số liệu đầu tiên về việc các sinh vật sống phản ứng như thế nào trong môi trường vũ trụ.


Tượng Laika.

Ngày 11/4/2008, đúng 50 năm sau ngày xác Laika được hỏa thiêu trong khí quyển Trái Đất, tại Viện Quân y bên đại lộ Petrovsko - Razumovsky ở Moskva, nơi Laika đã luyện tập để chuẩn bị thử nghiệm trong không gian, người Nga đã dựng một tượng đài tưởng niệm Laika do nhà điêu khắc Pavel Medvedev thiết kế. Bệ tượng đài mô phỏng một tên lửa vũ trụ, phần trên của các động cơ mô phỏng bàn tay con người. Tượng Laika đứng trên đó, trong lòng bàn tay của con người.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất