Ngày 6/5: Thảm họa khí cầu Hindenburg và nguyên nhân bí ẩn được giải đáp sau 76 năm

Vụ tai nạn kinh hoàng này đã làm 35 người thiệt mạng trong số 97 người lên tàu và đã làm kết thúc kỉ nguyên của khinh khí cầu.

Thảm họa Hindenburg là sự kiện diễn ra vào ngày thứ năm, mùng 6 tháng 5 năm 1937 khi chiếc khinh khí cầu nổi tiếng LZ 129 Hindenburg bị bắt lửa tại cột mốc kéo và cháy rụi khi hạ cánh trong chuyến bay khởi hành từ Frankfurt, Đức tới New Jersey, Mỹ. Vụ tai nạn kinh hoàng này đã làm 35 người thiệt mạng trong số 97 người lên tàu và đã làm kết thúc kỉ nguyên của khinh khí cầu.

Khí cầu Hindenburg xuất phát từ Frankfurt vào chiều ngày 3 tháng 5 để bắt đầu cho một chuỗi 10 chuyến đi liên tiếp giữa châu Âu và Mỹ trong năm thứ 2 mà nó được đưa vào hoạt động chính thức. Con tàu mất khá nhiều giờ để qua Boston vào sáng ngày mùng 6 và cuối cùng nó đã tới được Lakehurst sau vài tiếng muộn hơn lịch trình do ảnh hưởng của một cơn bão. Thấy rõ điều kiện thời tiết tồi tệ, cơ trưởng Max Pruss đã buộc phải vòng qua Manhattan và điều đó khiến một đám đông hiếu kỳ đổ ra đường để chiêm ngưỡng con tàu khổng lồ.


Hindenburg là chiếc khí cầu lớn nhất trong lịch sử và đây cũng là thảm họa thảm khốc nhất

Sau khi đi tới vùng an toàn hơn vào khoảng lúc 4h chiều, Max Pruss đã lái con tàu một vòng quanh New Jersey để hành khách có thể nhìn thấy thành phố từ trên cao trong khi họ chờ đợi thời tiết có những biến chuyển tốt hơn. Tới khoảng 6h22', cơn bão tan và con tàu thẳng hướng tới Lakehurst sau gần nửa ngày trễ hơn so với lịch trình.

Tầm 7h chiều theo giờ địa phương, ở độ cao khoảng 200m, Hindenburg bắt đầu hạ cánh xuống trạm bay Lakehurst Naval. Họ buộc phải hạ cánh cao, hay còn gọi là flying moor, bởi con tàu sẽ thả dây và rọc từ trên cao xuống để móc sau đó vào cột mốc kéo. Cách hạ cánh này tiết kiệm được một lượng lớn nhân công, song lại tốn nhiều thời gian hơn bình thường.


Lửa cháy lan từ đuôi tàu khiến cho toàn bộ phần khí cầu bị cháy rụi, chỉ còn lại phần khung.

Khi còn cách mặt đất khoảng 200feet (khoảng 60m), khinh khí cầu bỗng nhiên bốc cháy dữ dội từ phía đuôi. Khi ấy là khoảng 7h25. Lửa bắt đầu cháy từ đuôi Hindenburg và lan thẳng tới đầu tàu một cách nhanh chóng do khí hydro nổ. Chiếc đuôi bốc cháy, tàu mất cân bằng và đâm xuống đất. Mọi người đứng gần đó bỏ chạy tán loạn.

Nguyên nhân của vụ cháy tới ngày nay vẫn còn điều bí ẩn, cho dù đã có rất nhiều giả thiết được đưa ra nhằm giải thích lý do phát lửa và việc lửa lan sang phần nhiên liệu của tàu. Sự kiện này đã làm tiêu tan niềm tin của công chúng với những chiếc khí cầu khổng lồ.

Đến năm 2013, nguyên nhân chính thức của vụ tai nạn mới được công bố chính thức. Các nhà khoa học Mỹ mới đưa ra kết luận về nguyên nhân dẫn đến tai nạn của chiếc khinh khí cầu huyền thoại này, đó là sự tĩnh điện. Các chuyên gia đã cho rằng con tàu đã bay vào một đám mây tích điện dẫn đến cháy, nổ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất