Ngày đêm chênh lệch nhiệt độ nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào?
Nhiệt độ ngày - đêm chênh lệch quá lớn có thể gây các bệnh về hô hấp, tim mạch, đột quỵ.
Các bác sĩ cảnh báo tình trạng chênh lệch nhiệt độ quá lớn có thể khiến cơ thể khó thích nghi, nguy cơ mắc bệnh hô hấp, tim mạch rất cao.
Tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ
Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), thời tiết ban ngày nóng bức, ban đêm và gần sáng nhiệt độ lại xuống thấp dễ khiến trẻ nhỏ, người có sức đề kháng yếu mắc các bệnh về hô hấp như viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, hen suyễn.
“Ban ngày nóng bức nên trẻ thường mặc quần áo phong phanh. Vào ban đêm, khi trẻ không được giữ ấm cơ thể, nhiệt độ xuống thấp sẽ làm khô lớp niêm mạc đường thở. Lớp niêm mạc này tổn thương khiến chức năng đào thải chất tiết bị tổn hại. Chất tiết dồn ứ trong đường thở sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây viêm đường hô hấp”, bác sĩ Tiến nói.
Ngoài ra, người nhạy cảm với thời tiết và người trưởng thành cũng rất dễ bị viêm xoang do xoang mũi bị tổn thương.
Các bác sĩ cảnh báo khi nhiệt độ thời tiết ngày và đêm chênh lệch lớn, cha mẹ cần lưu ý giữ ấm cơ thể trẻ để tránh bị cảm lạnh. Tùy thuộc vào thời tiết, cha mẹ cần điều chỉnh quần áo cho trẻ phù hợp. Phụ huynh nên cho trẻ uống đủ nước, cung cấp đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, rửa tay thường xuyên. Vào ban đêm, nên đắp chăn đủ ấm, mang tất cho trẻ, chú ý bổ sung thêm vitamin A và tiêm phòng đầy đủ.
Đột quỵ, nhồi máu cơ tim ở người lớn tuổi
Nhiệt độ chênh lệch cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ ở người cao tuổi.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Dũng, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM, khi nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch quá lớn, người lớn tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em thường dễ mắc các bệnh về hô hấp và tim mạch.
Nhiệt độ chênh lệch quá lớn khiến người mắc bệnh tim mạch, rối loạn thần kinh tự động, đái tháo đường dễ gặp các biến cố như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Nhiệt độ cao vào ban ngày có thể khiến cơ thể mất nước, hạ huyết áp. Ngược lại, nhiệt độ quá lạnh gây co mạch ngoại biên, gây tăng huyết áp. Sự thay đổi này càng đột ngột, càng chênh lệch lớn thì nguy cơ đột quỵ càng cao.
Ngoài ra, thời tiết lạnh dễ đẫn đến hình thành huyết khối trong lòng mạch máu, tăng nguy cơ tổn thương tim mạch. Do đó, người lớn tuổi và người trưởng thành nên mặc đủ ấm vào ban đêm, đủ mát vào ban ngày và bổ sung nước thường xuyên khi trời nóng. Tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là khi vừa ngủ dậy.