Ngày mai, SpaceX sẽ làm thay đổi lịch sử bằng sứ mệnh phóng lại tên lửa Falcon 9

Tỷ phú Elon Musk và SpaceX sẽ tiến hành một sứ mệnh vô cùng quan trọng vào ngày mai, 30 tháng 3. Đó là phóng lại một tên lửa Falcon 9 đã qua sử dụng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại có một tên lửa vũ trụ được tái sử dụng và phóng trở lại vào không gian.

Sứ mệnh này của SpaceX sẽ mở ra một cuộc cách mạng mới của ngành hàng không vũ trụ, giúp giảm chi phí của việc du hành vào vũ trụ một cách đáng kể. Tất cả các thử nghiệm trước đây của SpaceX mới chỉ là hạ cánh các tên lửa Falcon 9, đây sẽ là lần đầu tiên một tên lửa Falcon 9 được phóng trở lại.

Theo kế hoạch, nếu mọi điều kiện thuận lợi, SpaceX sẽ tiến hành phóng lại tên lửa Falcon 9 đã từng được thử nghiệm vào ngày 8 tháng 4 năm 2016. Chiếc tên lửa này đã thực hiện sứ mệnh đưa một vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất và hạ cánh trở lại trên sà lan không người lái ở Đại Tây Dương.

Mặc dù đa số các bộ phân của tên lửa Falcon 9 này đã tách ra và rơi xuống biển trong quá trình phóng (các bộ phận này chìm xuống đại dương và không được sử dụng lại), tuy nhiên phần quan trọng nhất của chiếc tên lửa vẫn còn và được phục hồi lại.


Phần quan trọng nhất của chiếc tên lửa vẫn còn và được phục hồi lại.

Đây cũng là thành phần đắt giá nhất của một chiếc tên lửa Falcon 9, chính vì vậy mà việc tái sử dụng tên lửa sẽ giúp cắt giảm chi phí một cách đáng kể. Theo tính toán, các công ty muốn đưa vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất có thể tiết kiệm khoảng 18 triệu USD mỗi lần phóng nếu sử dụng tên lửa tái sử dụng (một tên lửa Falcon 9 có giá 62 triệu USD).

Sứ mệnh lần này là điều SpaceX vẫn ấp ủ, để có thể chứng minh với cả thế giới rằng ý tưởng về tên lửa tái sử dụng là hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Trước SpaceX, NASA cũng đã từng thử nghiệm rất nhiều dự án tên lửa vũ trụ và tàu con thoi tái sử dụng nhưng đều thất bại.


Tên lửa Falcon 9 sẽ sử dụng tới 9 động cơ tên lửa đẩy để có thể bay vào quỹ đạo Trái đất.

Những chiếc tên lửa Falcon 9 sẽ sử dụng tới 9 động cơ tên lửa đẩy để có thể bay vào quỹ đạo Trái đất. Các động cơ tên lửa của giai đoạn thứ nhất sẽ tách rời khi tên lửa đạt đến độ cao mong muốn. Sau đó các module như vệ tinh sẽ được tách ra và di chuyển vào quỹ đạo trái đất.

Phần còn lại của sứ mệnh sẽ là hạ cánh tên lửa Falcon 9 trở lại Trái đất. Một động cơ tên lửa đẩy sẽ được sử dụng trong giai đoạn thứ hai này, với nhiệm vụ giảm tốc độ rơi tự do và ổn định tên lửa khi hạ cánh.

Chúng ta sẽ cùng chờ đợi xem liệu rằng SpaceX có thể đặt dấu mốc thay đổi lịch sử vào ngày mai hay không?

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất