Ngày mai thời gian bị kéo lùi một giây

Các chuyên gia về thời gian trên khắp thế giới sẽ thêm một giây vào phút cuối cùng của ngày 30/6.

Thời gian mặt trời là thang đo thời gian mà theo đó 12h trưa là lúc mặt trời nằm ở vị trí cao nhất trên bầu trời. Nó liên quan tới chuyển động tự xoay của trái đất quanh trục và được thể hiện qua giờ GMT và giờ UTC.

Địa cầu xoay một vòng quanh trục của nó trong 86.400 giây. Tuy nhiên, tư thế nghiêng của quả đất trên trục, lực hút của mặt trăng và mặt trời khiến thời gian tự xoay của nó giảm vài phần trăm giây mỗi năm. Hậu quả là thời gian mặt trời chậm hơn so với Thời gian Nguyên tử Quốc tế (TAI) - được đo bằng dao động của các sóng điện từ được phát ra do các nguyên tử hoặc phân tử chuyển dịch từ mức năng lượng này sang mức năng lượng khác.


Trước ngày 30/6, các nhà khoa học đã bổ sung giây nhuận 24 lần kể từ năm 1972.

Để sai số giữa thời gian mặt trời và thời gian nguyên tử không tăng dần, cứ sau vài năm các nhà khoa học lại thêm một giây (gọi là giây nhuận) vào thời gian mặt trời để nó bằng thời gian nguyên tử. Biện pháp này được thực hiện từ năm 1972. Cơ quan Giám sát chuyển động xoay của trái đất và Các hệ thống tham chiếu quyết định thời điểm bổ sung giây nhuận. Thông thường giây nhuận được thêm vào ngày 31/12 hoặc 30/6. Đây là lần thứ 25 loài người thêm giây nhuận vào độ dài thời gian của một ngày.

“Ngày nay thời gian được định nghĩa, xây dựng và đo bằng những đồng hồ nguyên tử. Thời gian nguyên tử ổn định hơn thời gian thiên văn nên nó cho phép mọi người trên trái đất thấy thời gian giống nhau trên đồng hồ”, Noel Dimarcq, giám đốc hệ thống tham chiếu không gian - thời gian của Đài thiên văn Paris, nói với AFP.

Vài trăm đồng hồ nguyên tử trên khắp hành tinh đang làm nhiệm vụ duy trì Thời gian Nguyên tử Quốc tế. Chúng đo dao động trong nguyên tử Cesium và có thể chia một giây thành 10 tỷ phần.

“Với độ chính xác như thế, cứ 300 triệu năm đồng hồ nguyên tử mới chậm một giây”, Dimarcq khẳng định.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất