Nghệ thuật nhận biết kẻ nói dối của FBI: Chỉ một câu hỏi là biết ai đang không thành thật

Bạn có bao giờ ở vào trạng thái cảm thấy người đối diện đang nói dối mà không cách nào biết chắc được? Nếu có thì thực ra không chỉ bạn đâu, mà nhiều người trong số chúng ta đã từng rơi vào cảnh như vậy.

Đó là trong cuộc sống bình thường, chứ chưa tính đến các ngành nghề như cảnh sát, đặc vụ... đòi hỏi phải thẩm vấn liên tục và phải xác định được đâu là lời nói dối. Câu hỏi đặt ra là: làm sao để biết được một người nói dối hay nói thật?

Ở FBI, họ có một phương pháp cực kỳ đơn giản, và hiện tại vẫn được rất nhiều cơ quan điều tra trên thế giới áp dụng. Đó là gì? Hãy cùng tìm hiểu xem.

Nghệ thuật xác định kẻ nói dối

Phương pháp này là một thuật ngữ có thật trong tâm lý học, mang tên "Volatile Conundrum" (tạm dịch: Hỏi hóc búa), nhằm kiểm tra xem độ thành thực một người là như thế nào.

Theo tiến sĩ Jack Shafer, cựu chuyên gia phân tích hành vi của FBI thì phương pháp này được ứng dụng hết sức đơn giản. Yêu cầu của nó là bạn đặt ra câu hỏi mà bản thân vốn đã biết câu trả lời, nhưng mệnh đề trong câu hỏi phải là một mệnh đề sai. Nếu người được hỏi đồng tình, họ là kẻ nói dối và ngược lại.


FBI áp dụng phương pháp hỏi hóc búa nhằm kiểm tra xem độ thành thực một người là như thế nào. (Ảnh minh họa).

Nhược điểm của phương pháp này là bạn không thể quá lạm dụng nó, vì người được hỏi sẽ sớm nhận ra bạn có một mưu đồ ẩn bên trong và có những phản ứng vượt qua nó.

Cách sử dụng

Phương pháp này có thể áp dụng trên cùng một đối tượng nhưng với tần suất giãn cách, thường là khi bạn cảm thấy câu chuyện của người này có phần "chém gió" quá đà. Khi dùng, hãy giữ tư thế và tông giọng bình thản, vì điều quan trọng nhất là khiến người được hỏi không nhận ra họ đang bị kiểm tra.

Thử lấy ví dụ: bạn gặp một anh chàng luôn ba hoa rằng mình được mời đến dự đám cưới Hoàng tử Harry và Meghan Markle. Bạn có thể hỏi: bánh cưới làm bằng chocolate ở đấy ngon không (dù thực ra nó được làm từ vani). Nếu anh chàng đó lại khen tới tấp cái bánh chocolate thì bạn hiểu anh ta là ai rồi đó.

Luôn phải chuẩn bị đường lui

Một điểm quan trọng khi dùng phương pháp này là bạn luôn phải chuẩn bị đường lui cho mình, phòng trường hợp đối phương đang nói thật. Vì lúc này, bạn sẽ rơi vào tình huống trở thành một kẻ nói dối, hoặc tệ hơn là đối phương cảm thấy bạn không tin tưởng họ, dẫn đến mối quan hệ trở nên đổ vỡ.

Vẫn ví dụ trên, nếu anh chàng kia bảo rằng không biết ở đó có bánh chocolate, bạn sẽ phải tự vỗ trán mà nhận lỗi: "Ồ em tưởng nó là bánh chocolate. Xin lỗi anh", rồi lái câu chuyện sang hướng khác.

Phát hiện xong thì làm gì?

Có một nghịch lý là trong cuộc sống khi phát hiện ra có người nói dối, chưa chắc bạn đã nên lật tẩy họ giữa chốn đông người. Lý do là vì làm như vậy có khả năng khiến mối quan hệ của cả hai bị rạn vỡ, đồng thời dễ phải nhận phản ứng khá tiêu cực từ đối phương.

Thay vào đó, bạn có thể đem ra hỏi khi trò chuyện riêng, hoặc kể với một người khác về băn khoăn của bạn. Tốt nhất là tránh xung đột hết sức có thể, vì cuộc sống này đã đủ đau đầu rồi.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất